Trong khi thanh long chất lượng kém không tiêu thụ được đổ bỏ hàng loạt thì nhiều doanh nghiệp lại đang than trời vì không gom đủ lượng thanh long đạt chuẩn cho các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Nhật... Đây có lẽ không chỉ là nghịch lý của riêng trái thanh long hiện nay.
Các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật đều đang “đói” thanh long chất lượng, trong khi thị trường chiếm tới 90% lượng thanh long xuất khẩu của VN là Trung Quốc lại đang đưa ra cảnh báo về hiện tượng rệp sáp trên trái thanh long VN khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rối như tơ vò.
Không đủ hàng xuất
Là doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Mỹ nhiều năm nay nhưng cả tháng qua Công ty xuất nhập khẩu Hugo (TP HCM) vẫn không mua được ký thanh long nào đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Vương Đình Khoát, chủ tịch HĐQT Công ty xuất nhập khẩu Hugo, khẳng định hiện nhu cầu đặt hàng từ thị trường Mỹ khoảng 60-80 tấn thanh long/tháng nhưng cả tháng qua Hugo không xuất được đơn hàng nào qua thị trường này do thanh long bị bệnh quá nhiều.
Hiện rất hiếm vườn thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu qua Mỹ.
Còn tại HTX thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An), nhờ chủ động được nguồn cung thanh long nên vẫn có thanh long để xuất.
Tuy nhiên theo ông Trương Quang An - tổ trưởng HTX thanh long Tầm Vu, việc thiếu thanh long xuất khẩu vẫn diễn ra thường xuyên, lúc vào vụ HTX mua vào đến 40-50 tấn/ngày, nhưng có thời điểm chỉ vài ba tấn nên lượng hàng không ổn định để xuất.
“Năm nay bị nhiều dịch bệnh nên chỉ chọn được khoảng 30% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, việc hủy đơn hàng vì thế cũng diễn ra nhiều hơn nhưng đành chấp nhận” - ông An cho hay.
Tương tự, Công ty TNHH XNK Hồng Ân (TP HCM) cũng vừa phải hủy đơn hàng xuất khẩu đi một nước ở châu Á do thiếu thanh long đạt chất lượng. Điều đáng tiếc là giá thanh long xuất khẩu của Công ty Hồng Ân ở mức khá cao nhưng vẫn không tìm đủ thanh long có chất lượng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), tất cả doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi thị trường khó tính đều đang thiếu hàng xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết phải tăng giá mua liên tục mới mong có được hàng xuất.
Tại Bình Thuận, nơi nhiều nông dân đang phải đổ bỏ thanh long đầy đường, ông Trần Ngọc Hiệp - phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - thừa nhận: “Thanh long đủ tiêu chuẩn vẫn thiếu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp ngay tại Bình Thuận cũng phải chạy đôn chạy đáo để đủ lượng hàng xuất khẩu”.
Theo ông Hiệp, giá thanh long tại vườn hiện có lúc xuống 200-300 đồng/kg, nhiều lúc thu hoạch rộ chủ vựa không thèm cân nên nông dân phải đổ bỏ, nhưng chủ yếu là thanh long bị sâu bệnh, chất lượng thấp.
Phụ thuộc vào một thị trường
Theo ông Lương Ngọc Trung Lập - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả Nam bộ, sáu tháng đầu năm nay VN xuất khẩu thanh long đạt khoảng 150 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 90% về lượng.
“Thị trường Trung Quốc không có xu hướng giảm mà ngược lại tăng lên là điều rất đáng ngại, bởi Trung Quốc đang trồng được thanh long. Vì vậy nếu chỉ phụ thuộc thị trường này, người trồng thanh long sẽ còn lao đao” - ông Lập nói.
Tuy nhiên việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không đơn giản chút nào. Ông Đặng Văn Hoàng, chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, cho biết thời gian qua Cục Bảo vệ thực vật đẩy mạnh xúc tiến mở rộng xuất khẩu, hiện thanh long VN đi qua được 30 nước và đang xúc tiến để xuất sang Ấn Độ.
Tuy nhiên, khối lượng xuất đi vẫn còn khiêm tốn và trầy trật. Đơn cử dù Đài Loan đã cho phép xuất thanh long trở lại nhưng VN vẫn chưa thể xuất qua thị trường này do chưa đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật.
Liên quan đến chất lượng trái thanh long, theo ông Trần Ngọc Hiệp, bệnh đám (đốm) trắng trên cây thanh long bùng phát dữ dội thời gian qua là nguyên nhân chính khiến chất lượng giảm.
“Hầu như vườn nào hiện nay cũng nhiễm bệnh này, có vườn số trụ bị nhiễm bệnh chiếm đến 90% và hầu hết trái nhiễm bệnh không xuất khẩu được vì hình thức xấu xí dù không ảnh hưởng đến chất lượng” - ông Hiệp lo lắng.
Do vậy, trước mắt ông Hiệp cho rằng các cơ quan cần đẩy mạnh hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kinh phí để xử lý nhanh bệnh trên cây thanh long.
Về lâu dài, để cải thiện chất lượng trái thanh long cần phải đẩy mạnh phát triển thanh long theo hướng đại đồn điền (HTX) bởi hầu hết thanh long hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, theo kiểu “ăn xổi ở thì”, khi xảy ra dịch bệnh rất khó quản lý.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc trồng thanh long rải vụ cũng cần xem xét lại, vì chương trình trồng thanh long rải vụ được thực hiện nhưng nhiều địa phương vẫn không áp dụng do nghịch vụ chi phí cao gấp nhiều lần mùa thuận, trong khi mùa thuận sâu bệnh phát triển nhưng lại không có nhiều phương pháp phòng trừ hiệu quả.
Bà Võ Mai, phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho rằng ngành chế biến trái cây cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhưng những sản phẩm như mứt thanh long hay nước ép, rượu thanh long... đầu ra gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa quen với những sản phẩm này, nên Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ trong khâu quảng bá sản phẩm trong những năm đầu tiên.
Long An, Tiền Giang cũng phát triển ồ ạt thanh long
Theo số liệu thống kê từ phòng trồng trọt Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh đang có gần 5.300ha thanh long. So với những năm trước, diện tích thanh long tại tỉnh tăng rất mạnh (năm 2012 chỉ có 1.500ha và 2013 là 3.000ha).
Chính việc phát triển diện tích khá nóng nên khi vào chính vụ, thanh long thường dội chợ, rớt giá, trong khi đó loại thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu vẫn thiếu hàng.
Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh có đề án đến năm 2015 sẽ đạt diện tích trồng thanh long là 4.500ha. Còn hiện tại diện tích trồng cây thanh long đạt 4.000ha.
Trước thực tế thanh long nhiều lần bị rớt giá, ông Hóa cho biết sở và các cơ quan liên quan đang tập trung hướng dẫn nông dân trồng thanh long rải vụ để tránh tình trạng trái chín tập trung dễ bị rớt giá.
Theo một cán bộ Viện Cây ăn quả miền Nam, thời gian qua nông dân đua nhau trồng thanh long trong khi các kỹ thuật trồng, quản lý dịch bệnh, xử lý ra hoa cho thanh long đều chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc sản phẩm thu được có chất lượng không cao, không đạt chuẩn xuất khẩu. (SƠN LÂM - SƠN BÌNH)
Bình luận (0)