Chiều 22-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phát triển nhanh, rủi ro nhiều
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" và nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn (kênh dẫn vốn trung và dài hạn), thị trường tiền tệ (kênh dẫn vốn ngắn hạn) trong tổng thể thị trường tài chính - huyết mạch của nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, thị trường vốn phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu với quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh; góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế và hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường vốn còn tồn tại hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường...
Cá biệt, một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường. "Sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đại đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ thị trường tài chính đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các DN.
Song, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận thị trường chứng khoán, trái phiếu gần đây phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, như: thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu rõ pháp luật về đầu tư, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ; một số DN sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố khi phát hành trái phiếu...
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự
Để khắc phục tình trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng, cho hay sẽ rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn; tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu DN.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính trước mắt sẽ khẩn trương trình Chính phủ nội dung sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ tại Nghị định 153/2020 theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; quy định DN yếu kém không được phát hành...
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể quy định tại Luật Chứng khoán bảo đảm hành vi thao túng thị trường phải được xử phạt nghiêm minh, DN thực hiện đúng quy định phải được hỗ trợ để phát triển.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty CP Cơ điện lạnh, cho rằng bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu DN là hai kênh vô cùng quan trọng. "Không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý" - bà Thanh bày tỏ.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), góp ý cần cải thiện cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các DN phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch trái phiếu DN phải đủ sức răn đe để thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật.
Theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi. Ông nhấn mạnh: "Nhà đầu tư chính là máu đưa ôxy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là nội dung ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán".
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kiến nghị Chính phủ có thông điệp mạnh mẽ về các hành vi vi phạm Luật Chứng khoán theo hướng ai vi phạm thì sẽ bị phạt, bị xử lý nghiêm nhưng không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, các quan hệ kinh tế.
"Cần bổ sung và điều chỉnh kịp thời các quy định về phát hành trái phiếu trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho DN huy động vốn qua kênh này và tăng cường thêm vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp giúp thị trường phát triển nhanh và bền vững song song với chặn hành vi lũng đoạn thị trường là cần thiết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường vốn. Ảnh: NHẬT BẮC
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, DN. Dẫn chứng các trường hợp vi phạm trên thị trường gần đây như vụ Tập đoàn FLC hay Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thủ tướng cho rằng phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã, đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.
Thủ tướng nhận định những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân cả từ phía khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Từ các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình quản lý, phát triển thị trường vốn vừa qua, Thủ tướng cho rằng Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt mục tiêu, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung trọng yếu nhằm phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ phải ổn định môi trường đầu tư, quan trọng nhất là chính sách, để nhà đầu tư yên tâm. Theo đó, các bộ, ngành cần xây dựng hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trái phiếu; có giải pháp phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.
Với riêng thị trường trái phiếu, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại cơ chế, chính sách, đề xuất sửa đổi hành lang pháp lý liên quan đến Luật Chứng khoán, Luật DN; khẩn trương sửa Nghị định 153/NĐ-CP và Nghị định 155/NĐ-CP để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu DN, góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động phát hành, phân phối, lưu ký, mua bán trái phiếu DN; chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu của DN.
Đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập, đặc biệt quy định về minh bạch thông tin DN, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường...; xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh; triển khai các biện pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư.
Với thị trường tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý những vấn đề tồn tại liên quan đến sở hữu chéo; đẩy nhanh tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường kết quả công tác thanh tra, giám sát; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp các bộ, ngành kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có hiệu quả. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Xử lý nghiêm hành vi đưa tin xuyên tạc
Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, tiền tệ. Trong đó, xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác làm ảnh hưởng đến thị trường.
Bình luận (0)