Ngày 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, công tác quyết toán ngân sách; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%.
Giảm thuế góp phần kích cầu tiêu dùng
Các đại biểu (ĐB) QH dành nhiều sự quan tâm đến phương án giảm 2% thuế GTGT như Chính phủ trình, bởi đây được đánh giá là giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
ĐB Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng QH, Chính phủ xem xét kéo dài giảm thuế GTGT đến hết năm 2024 thay vì triển khai từ ngày 1-7 đến hết năm 2023 như đề xuất của Chính phủ. "Việc kéo dài giảm thuế GTGT đến hết năm 2024 để bảo đảm có đủ thời gian hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống. Các địa phương có thể chủ động tính toán lập dự toán, cân đối thu chi, từ đó chính sách được phát huy hiệu quả tốt nhất" - ĐB Cường nhấn mạnh.
Nêu tình trạng doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn, phải bán bớt tài sản, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ DN trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Vì vậy, bà Hoa tán thành phương án giảm thuế GTGT 2% nhưng triển khai đến hết năm 2023 là quá ngắn. "Khó khăn, thách thức trong thời gian tới là khá lớn, ĐB cho rằng để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024" - ĐB Hoa kiến nghị.
Giải trình, làm rõ việc ĐB đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc Chính phủ đề xuất giảm thuế đến hết năm 2023 nhằm phù hợp với Nghị quyết 43 của QH, phù hợp với cân đối ngân sách, kích cầu tiêu dùng tức thời. Theo ông Phớc, phương án này đã được Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho ý kiến.
Lãng phí nguồn nhân lực
Tham gia thảo luận nội dung công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng còn lãng phí trong việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi phát triển kinh tế chậm.
Cùng với 1 triệu tỉ đồng tồn dư ngân quỹ do chậm giải ngân, ĐB Khải nhấn mạnh đây là sự "lãng phí vô cùng lớn". Bên cạnh đó là tình trạng lãng phí trong cải cách hành chính. "Phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn DN đến cảnh khó khăn. Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, DN và đất nước là bao nhiêu?" - ĐB đoàn Hà Nam nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước Ảnh: PHẠM THẮNG
Băn khoăn về lãng phí nguồn nhân lực, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết lực lượng lao động là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển đất nước nhưng nhiều năm nay, chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt. So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta ở mức rất thấp. ĐB Thân nêu rõ đây là nguồn lực rất lớn đang bỏ qua. Vị ĐB này đề nghị đối với cán bộ - công chức - viên chức cần quan tâm đến cơ chế tăng lương và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người.
"Chúng ta đầu tư hàng triệu tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng, tại sao lại không đầu tư cho con người" - ĐB Thân nhấn mạnh. Trong bối cảnh ngân hàng không thể cho vay nếu không có thế chấp nhưng theo ĐB Nguyễn Văn Thân có các quỹ như Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ và các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác không phát huy được tác dụng. Nhấn mạnh đây là lãng phí, ĐB đề nghị xem lại cơ chế về cho vay, cơ chế bảo lãnh để DN tiếp cận được nguồn vốn này.
Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho biết tình trạng lãng phí đất đai rất lớn. Đó là tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý. Cùng với đó là lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra và chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm.
Sớm gỡ khó đăng kiểm
Quan tâm đến vấn đề đăng kiểm xe cơ giới, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng mục đích của đăng kiểm là để bảo đảm an toàn kỹ thuật cho phương tiện lưu thông nhưng hiện nay thủ tục đăng kiểm đã trở thành gánh nặng cho DN vận tải và người dân nói chung, nhất là những DN logistics, mất nhiều thời gian.
Để giải quyết bài toán đăng kiểm, bà Trân kiến nghị cần tổ chức xã hội hóa ngành đăng kiểm. Chính phủ xem xét mạnh dạn cho phép việc phân cấp, ủy quyền cho các hãng ôtô, garage đủ điều kiện, chức năng, kỹ thuật thực hiện công tác đăng kiểm; đồng thời có cơ chế hậu kiểm ngẫu nhiên các cơ sở này để bảo đảm công tác đăng kiểm tư nhân được thực hiện đúng quy định.
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề cập đến việc xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chỉ đạo biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Theo bà Thúy, những sai phạm ở NXB Giáo dục Việt Nam, DN trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, bị xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát. ĐB Thúy cũng nói đến Công ty Phương Nam, một trong những công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam, chỉ khoảng 2 năm, đã chi gần 100 tỉ đồng để phát triển thị trường và tập huấn. "Không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa? Nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này thì có ngày giống như vụ án Việt Á hoặc các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục. Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra..." - ĐB Thúy kiến nghị.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 2-6, Chính phủ trình QH dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Sau đó, QH thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Mở rộng đối tượng áp dụng giảm thuế GTGT
Đồng tình với phương án giảm thuế GTGT nhưng ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng. Theo đó, bà Nga đề nghị áp dụng mức thuế suất 8% (giảm 2%) đối với mặt hàng ôtô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ôtô trong nước, từ đó bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ôtô; từ đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN:
Không thể phủ nhận sự lãng phí ở các dự án điện gió, điện mặt trời
Về vấn đề xử lý đối với dự án điện gió, điện mặt trời không đủ điều kiện tham gia cơ chế giá bán điện cố định (giá FIT), không thể phủ nhận có sự lãng phí nếu hàng chục dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư mà không khai thác, sử dụng. Hầu hết chủ đầu tư các dự án đã chạy đua với thời gian nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, thủ tục, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để tránh lãng phí nhưng cũng không bị xem là hợp thức hóa sai phạm thì cần phải có chủ trương của cấp có thẩm quyền chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư, các ngành chức năng, địa phương vào cuộc đồng bộ thì mới tháo gỡ được. Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thống nhất giá điện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:
Xử nghiêm vi phạm trong kinh doanh BHNT
Vừa qua, có những tồn tại trong việc liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Các hợp đồng BHNT có nội dung dài, chưa rõ ràng khiến người mua thua thiệt, dẫn tới khiếu kiện. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý nghiêm những ngân hàng, công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ đang xây dựng nghị định và thông tư về kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bình luận (0)