Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2022 là 7,72% - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, góp phần thúc đẩy GDP 6 tháng tăng 6,42%. Tăng trưởng 2 quý đầu năm nay cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và 5,74% của nửa đầu năm 2021.
Những con số tích cực
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76.200 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả số DN quay lại hoạt động sẽ nâng tổng số DN tham gia thị trường lên 116.900, tăng 25,4%. Với số DN tham gia và tái gia nhập thị trường lần đần tiên vượt mốc 100.000, các chuyên gia và tổ chức quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam đang có triển vọng rất khả quan trong giai đoạn phục hồi và có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm nay.
Sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng trưởng khá nhờ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi. Bên cạnh đó là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng trưởng 6,6% - cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ.
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 cũng khá khả quan với 941.300 tỉ đồng, bằng 66,7% dự toán. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 39.800 tỉ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% và 2 quý đầu năm đạt 6,42% là "những con số tích cực", phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh và các yếu tố bên ngoài. Thứ trưởng đánh giá kết quả này cho thấy Việt Nam đang thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng hòa các giải pháp đã đề ra cùng với công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành và sự đồng thuận của cộng đồng DN, người dân.
Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết kết quả tích cực từ phát triển kinh tế - xã hội đã giúp củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Theo đó, trong khi 30 quốc gia bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong 6 tháng đầu năm thì Việt Nam được Tổ chức S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "ổn định". Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Nhiều ngành sản xuất ghi nhận tín hiệu hồi phục tích cực trong 2 quý đầu năm 2022. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xuất khẩu là điểm sáng nổi bật
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng qua là hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu ước đạt 710 triệu USD.
Nhìn nhận số liệu tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua là ấn tượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá điều này có được là nhờ cả 2 yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng, gồm: thành tích xuất khẩu vững chắc và tiêu dùng nội địa đang có sự phục hồi lớn.
Các chuyên gia của bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng chung nhận định lạc quan về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. "Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn từ những lô hàng điện tử được xuất khẩu liên tục. Ngành dệt may, giày dép, máy móc đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ động lực bên ngoài của Việt Nam đang trở lại" - chuyên gia phân tích của HSBC nêu rõ.
Trong các lĩnh vực ghi nhận xuất khẩu tốt, thủy sản là ngành hồi phục ấn tượng với giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5,8 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lý giải kết quả này có được là nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, hồi phục sản xuất, tận dụng cơ hội khi thị trường thế giới tăng nhu cầu.
"Các DN vừa trả nợ đơn hàng cũ đã giao chậm do dịch Covid-19 vừa sản xuất đơn hàng mới để phục vụ nhu cầu tăng cao ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Ngoài ra, thương mại toàn cầu bị đứt gãy khiến mặt bằng giá thủy sản tăng 10%-15% so với cùng kỳ cũng giúp giá trị xuất khẩu tăng. Nhờ vậy, "sức khỏe tài chính" của DN trong ngành dần hồi phục sau những khó khăn chồng chất của giai đoạn chống chọi với dịch bệnh" - ông Hòe nhận xét.
Ông Cao Văn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Ngọc, cho hay sản lượng xuất khẩu của DN những tháng đầu năm nay tăng mạnh đến 100% so với năm ngoái. "Năm ngoái, mỗi ngày DN chỉ sản xuất, chế biến khoảng 60 tấn hàng thì năm nay tăng lên 130-150 tấn. Lượng hàng xuất khẩu cũng tăng tương ứng với khoảng 70 container/tháng, tương đương 1.500 tấn hàng. Từ đó, công ăn việc làm của công nhân được bảo đảm tốt hơn" - ông Nguyên phấn khởi.
Đáng lưu ý, ông Nguyên cho biết việc vận chuyển hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đã thuận lợi hơn trước nhờ giá cước vận tải biển giảm đáng kể - từ 5.500 USD còn 3.500 USD/container. Các thị trường châu Âu, châu Mỹ khá ổn định và sẽ tiếp tục tăng sản lượng hàng nhập khẩu phục vụ những tháng cuối năm.
"Công ty đang tìm kiếm thêm thị trường mới như Brazil và nhận thấy tín hiệu khá tốt. Thị trường này có nhu cầu lớn về thủy sản, không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn song phải tuân thủ nghiêm túc các điều kiện của họ. Từ thị trường này, DN có thể phát triển tiếp sang các nước lân cận trong khu vực" - ông Nguyên nêu triển vọng.
Những ngày này, Công ty TNHH Mia Fruit đang chuẩn bị thu hoạch lứa đậu đỏ organic đầu tiên trồng ở tỉnh Hà Giang để xuất sang Nhật. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, CEO của Mia Fruit, cho biết đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 5 tấn trong năm nay.
"Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có nhu cầu lớn về đậu đỏ "sạch" để dùng làm thực phẩm và làm đẹp. Nhật Bản mỗi năm cần đến 40 triệu tấn đậu đỏ. Hàn Quốc mới mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, dự kiến tháng 8 tới, DN sẽ sang gặp đối tác để đàm phán hợp tác. Nếu khai thác tốt 2 thị trường này, DN sẽ có đầu ra ổn định cho sản phẩm" - bà Huyền kỳ vọng.
CEO của Mia Fruit đánh giá tình hình xuất khẩu năm nay rất khả quan vì nhiều nước mở cửa biên giới trở lại, vận chuyển quốc tế được khôi phục và nhiều thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản, nhất là trái cây Việt Nam.
"Sau thời gian triển khai vùng trồng, nửa cuối năm nay, DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây mùa vụ đã có thương hiệu như mận ruby, vải, nhãn, dâu, vú sữa… Cuối năm nay sẽ có hội chợ quốc tế về trái cây ở Thái Lan, chúng tôi dự kiến ra mắt bản đồ trái cây Việt Nam trên nền tảng trực tuyến để giới thiệu cho các nhà mua hàng trong và ngoài nước" - bà Huyền thông tin.
Trong ngành sữa, mới đây, tại Gulfood Dubai 2022 - hội chợ thương mại hàng nông sản, thực phẩm lớn nhất thế giới - Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) là DN duy nhất của ngành góp mặt trong gian hàng Việt Nam. Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, đại diện Vinamilk cho hay hội chợ này là điểm hẹn quen thuộc của DN cùng các đối tác lâu năm tại Trung Đông trao đổi, xây dựng chiến lược kinh doanh và đưa ra ý tưởng cho sản phẩm dựa trên nhu cầu của thị trường bản địa.
Đại diện Vinamilk cũng nhận định hoạt động xúc tiến thương mại trở lại sôi động ngay đầu năm cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường quốc tế và hứa hẹn mang lại nhiều điểm khởi sắc cho ngành sữa trong năm 2022.
Doanh nghiệp nhỏ lạc quan
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, theo ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia (TP HCM), mảng bán lẻ tại các cửa hàng của DN vẫn duy trì nhờ khách sỉ từ khối nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Vì vậy, doanh số của DN tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Kevin Truong - giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp, chủ một nhà hàng tại quận 7, TP HCM - cho biết tình hình kinh doanh nhà hàng đang hết sức sôi động. "Hầu hết người dân không còn tâm lý lo ngại dịch bệnh nên thoải mái khi đi ăn uống, tổ chức tiệc tùng, tiếp khách bên ngoài. Nhiều nhà hàng kín khách, nhất là giờ cao điểm. Tất nhiên, kinh doanh nhà hàng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng như hiện nay cũng ảnh hưởng nhưng khi lượng khách đông thì vẫn trang trải được" - ông Kevin Truong nhìn nhận.
Không nên quá chủ quan
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cho hay có khá nhiều dư luận khác nhau khi Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố các con số về kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm. Tuy vậy, từ cảm nhận của DN, người dân và sự tự tin của Chính phủ trong điều hành kinh tế, chúng ta có thể lạc quan.
"Kịch bản tăng trưởng kinh tế 6,5% trong cả năm 2022 là kịch bản trung tính, có thể đạt được. Bởi lẽ, cơ bản so với nhiều nước châu Á, Việt Nam có tăng trưởng tương đối nổi bật, tỉ giá so với các nước trong khu vực tương đối tốt và các nền tảng, các cân đối vĩ mô lớn sẽ giúp tạo sức bật tốt hơn ở 2 quý còn lại. Dù thế, không nên quá chủ quan và vẫn phải kiểm soát các chính sách" - ông Việt nêu quan điểm.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)