Nhận định này được Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016, sáng 11-10.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, TS Thành cho biết, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20-9 đã tăng 12,2% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Ông Thành cho rằng sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III. Cùng với đó, diễn biến lãi suất bình quân liên ngân hàng (qua đêm và một tuần) đều giảm liên tục trong 3 tháng qua, cụ thể lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35%; 1,01% và 0,54% trong 3 tháng tiếp theo.
Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Đơn cử, cuối tháng 9, Vietcombank, VietinBank, BIDV… đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới một năm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm về quanh mức 4,8-5,3%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới 20/9 đã tăng 11,8% so với cuối 2015, cao hơn mức 8,9% cùng kỳ.
“Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng tạo cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay” - TS Nguyễn Đức Thành bình luận.
Tuy nhiên, nêu quan điểm về dự báo lãi suất sẽ hạ, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại lại có góc nhìn ngược lại. Theo ông Tuyển, việc một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất huy động ngắn hạn không bao quát chung cho cả thị trường và không trở thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay chung của thị trường tiền tệ.
Ông đưa ra 4 cơ sở cho lập luận của mình. Trước tiên là lãi suất chính sách hiện quá nhiều, chèn lấn vào khu vực cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi đang tạo ra việc làm, tăng trưởng. “Khu vực này vốn rất khó khăn, phải vay ở mức lãi suất cao” - ông Tuyển nói.
Thứ hai là nợ xấu thực chất đang tăng lên, đặc biệt là nợ trong các công trình cơ bản dùng vốn BOT. Ông Tuyển cho rằng điều này khiến khả năng giảm lãi suất cho vay khá khó khăn. Thứ ba là trái phiếu Chính phủ và giá dầu đang tăng lên.
“Nếu vừa nới lỏng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% như Ngân hàng Nhà nước đề ra, cộng với giảm lãi suất huy động sẽ kích thích vay và đẩy lạm phát lên. Không cẩn trọng lạm phát vượt 5% như chơi, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế” - nguyên Bộ trưởng Thương mại lưu ý.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quan điểm của ông Tuyển và cho rằng kỳ vọng giảm lãi suất vay cực khó.
Dự báo về chỉ số tăng trưởng kinh tế, Giám đốc VEPR cho hay, dù Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, và nhấn mạnh phấn đấu GDP cả năm ở mức 6,3-6,5%, nhưng chỉ số này sẽ chỉ quanh mức 6% trong năm nay.
“Ngay cả mức phấn đấu GDP 6,3-6,5% trong năm nay cũng khó khả thi, bởi dựa vào kinh nghiệm tăng trưởng những năm qua, dù tăng trưởng quý IV có tăng cao hơn quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm” - TS Nguyễn Đức Thành nhận định. Riêng lạm phát, mức dự báo được VEPR đưa ra, hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra vào cuối 2016.
Ông Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, nếu vượt quá 5% sẽ khiến niềm tin thị trường suy giảm. "Chỉ số tăng trưởng bao nhiêu có thể người dân không quan tâm nhiều, nhưng giá cả tăng vọt là dân sẽ biết ngay, ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý" - ông nói.
Nguyễn Hoài
Bình luận (0)