Tại dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 vừa được báo cáo Uỷ ban Kinh tế sáng 7-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu liên quan đến lãi suất. Đó là cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, mục tiêu này rất khó cho điều hành và không hợp lý vì chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh.
Bà Hồng phân tích lãi suất cho vay phải dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí của hoạt động trung gian tài chính. Nếu đề án đưa ra mục tiêu thấp hơn lạm phát 2- 3%, mà 2016 - 2020 mục tiêu những năm đầu lạm phát 4% và đưa về 3% vào 2020, trừ đi thì lãi suất cho vay chỉ 1% thì có hợp lý hay không, chưa kể còn trừ đi chi phí trung gian thì lãi suất huy động sẽ là 0 hay là âm?
Cập nhật lãi suất các nước trong khu vực, thấp như Singapore cũng là 5,5%, cao như Myanmar là 13%, bà Hồng khẳng định lãi suất của Việt Nam không có khác biệt lớn khi đang ở mức 9-10% đối với vay dài hạn.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, Phó thống đốc cũng hồi âm một số vấn đề được một số ý kiến đề cập tại phiên họp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Về quan điểm cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% của năm 2016 là quá cao, cần điều chỉnh khoảng 15%, bà Hồng cập nhật đến hết tháng 9 tín dụng đã tăng 11,7%, so với cùng kỳ năm trước là cao hơn.
"Thường vào cuối năm thì mỗi tháng tăng khoảng 2%, như vậy nhiều khả năng đạt chỉ tiêu định hướng 18 đến 20%. Doanh nghiệp vẫn dựa rất nhiều vào vốn ngân hàng, giảm xuống 15% thì khó khăn" - bà Hồng nói.
Với ý kiến về nợ xấu, bà Hồng cập nhật con số đến tháng 8-2016 là 2,66 % thấp hơn 3% được đặt ra cho cuối năm 2015. Phó thống đốc cũng thừa nhận xử lý nợ xấu qua VAMC gặp rất nhiều khó khăn, có nguyên nhân từ hành lang pháp lý.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, bà Hồng nhấn mạnh chỉ đạo Thống đốc rất kiên quyết là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả và tăng cường kiểm soát rủi ro. Thực tế tín dụng bất động sản vẫn tăng nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với 2015. Cụ thể đến 31-8-2016 tăng 6,72% so với 13,06 % của cùng kỳ 2015. "Diễn biến và xu hướng này diễn ra đúng chỉ đạo của Thống đốc" - Phó thống đốc nói.
Bình luận (0)