Theo quy định mới của Ngân hàng (NH) Nhà nước, năm 2017, các NH thương mại phải giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều NH đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn khiến phải tăng lãi suất huy động VNĐ nhằm thu hút thêm vốn, kéo giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn.
Ổn định nguồn vốn
Ngày 5-9, NH TMCP Bản Việt đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Trước đó, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất huy động từ ngày 1-9.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tại đây kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Ngoài ra, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng lên 7%/năm.
Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm theo chương trình quà tặng Eximbank 2016, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng đều ở mức 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,1%/năm...
Các mức lãi suất này cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường của Eximbank khoảng 0,3%-0,4%. Trong khi đó, nhiều NH khác cũng chuẩn bị tung ra thị trường các chương trình huy động vốn với lãi suất cao hơn hiện tại.
Thực tế cho thấy NH cho doanh nghiệp vay vốn dài hạn, cá nhân vay tiền mua nhà, xe hơi… thường có thời hạn 5-20 năm. Bên vay trả lãi và vốn theo từng tháng. Như thế, mỗi NH đã giải ngân cho một tổ chức, cá nhân hàng chục tỉ đồng nhưng chỉ thu về vài chục triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, khách hàng tập trung gửi tiền với kỳ hạn 1-3 tháng và nếu từ nay đến cuối năm, họ mạnh tay rút ra để kinh doanh, chi trả tiền lương, thưởng Tết thì NH sẽ thiếu hụt vốn. Do đó, một số NH phải tăng cường huy động tiền gửi nhằm ổn định nguồn vốn.
Kéo giảm tỉ lệ sử dụng vốn
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đến cuối tháng 8-2016, vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm nhưng tín dụng chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016. Điều này cho thấy toàn hệ thống NH đang thừa vốn, khiến lãi suất liên NH (lãi suất vay vốn ngắn hạn từ NH bạn) xuống dưới 0,5%/năm - mức thấp nhất trong lịch sử.
Về xu hướng tăng lãi suất huy động, tổng giám đốc một NH ở TP HCM lý giải: “Từ nay đến cuối năm, NH nào cũng lo thiếu hụt thanh khoản. Trong khi đó, số tiền vay từ NH bạn không được tính vào nguồn vốn huy động. Do đó, một số NH phải tích cực huy động vốn nhằm phòng hờ thanh khoản trục trặc.
Mặt khác, tại thời điểm này, do nhiều NH cho vay dài hạn, chủ yếu là cho vay đầu tư dự án bất động sản, chiếm gần 80% vốn ngắn hạn nên phải tăng cường huy động vốn để kéo giảm tỉ lệ này xuống. Thậm chí, có NH lo đến năm 2017 không kéo giảm được tỉ lệ sử dụng vốn theo quy định nên đã hạn chế cho vay bất động sản nhằm kìm hãm việc dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn”.
Thị trường cho vay bão hòa
NH Nhà nước vừa công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8-2016. Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, so với nhiều tháng trước, lãi suất cho vay vẫn ổn định.
Theo NH Nhà nước, hiện lãi suất cho vay tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, lãi suất cho vay của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia 12,7%/năm, Ấn Độ 10,3%/năm, Thái Lan 6,6%/năm, Philippines 5,5%/năm, Singapore 5,4%/năm.
Lãnh đạo nhiều NH thương mại cũng cho rằng dù lãi suất đầu vào có tăng nhưng trong thời gian tới, lãi suất đầu ra rất khó tăng theo bởi nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện không cao, thị trường cho vay đang bão hòa.
Bình luận (0)