* Phóng viên: Thưa bà, tín dụng năm 2015 tăng trưởng khá, vậy mục tiêu về tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 sẽ ở mức nào?
- Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong quá khứ, có giai đoạn tín dụng tăng trưởng trên 30% là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng cao và nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, dư nợ cho vay đã được kiểm soát và tăng chậm lại.
Năm 2016, theo dự kiến ban đầu, tăng trưởng tín dụng dựa trên cơ sở GDP, lạm phát mà Quốc hội đã thông qua được đưa ra ở mức 18%-20% và tùy theo tình hình thực tế sẽ có thay đổi linh hoạt.
* Việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 của Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ đối mặt những thách thức gì?
- Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ sẽ đối mặt một số điểm. Thứ nhất, thị trường tài chính, hệ thống NH chịu áp lực về nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do thị trường tài chính nước ta chưa phát triển, NH không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn mà còn cả nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Như vậy, việc cân đối vốn của NH thương mại, nhất là vốn trung, dài hạn vẫn khó khăn.
Thứ hai, tình trạng đô la hóa nền kinh tế đã được giảm thiểu nhờ NH Nhà nước quán triệt nhưng thị trường thời gian qua vẫn chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới. Vì vậy, nếu không có giải pháp linh hoạt, kịp thời để giải tỏa tâm lý thị trường thì sẽ gây khó khăn cho điều hành.
Thứ ba, với thị trường tài chính hiện nay, NH vẫn là lực lượng chủ chốt nắm giữ trái phiếu Chính phủ. Yêu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ ở mức cao năm 2016 sẽ gây áp lực lớn đến lãi suất. Đây cũng là thách thức đối với NH Nhà nước trong năm 2016.
Năm 2015, tuy lạm phát thấp song năm 2016, nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng trở lại bởi giá dầu đã giảm gần mức đáy nên giảm thêm nữa là khó xảy ra. Ngoài ra, năm 2016, hàng loạt mặt hàng thiết yếu trong nước như giáo dục, y tế, giá điện… sẽ nằm trong lộ trình điều chỉnh giá. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì lạm phát cũng không thể duy trì thấp như năm 2015. Chưa kể, những biến động của thị trường thế giới có thể tác động mạnh đến tâm lý thị trường trong nước, như: động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhân dân tệ giảm giá…
* Vậy NH Nhà nước đặt ra hướng điều hành tỉ giá năm tới như thế nào trước hàng loạt yếu tố có thể tác động?
- Tỉ giá giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam là một trong những điểm sáng, được các tổ chức trên thế giới đánh giá cao và nâng bậc tín nhiệm. Thời gian qua, chính sách lãi suất, tỉ giá được kết hợp đồng bộ. NH Nhà nước đã kiểm soát ổn định tỉ giá, lãi suất USD điều chỉnh liên tục. Năm 2010-2011, lãi suất USD ở mức 5,5% và đã giảm dần cho đến nay về 0%, áp dụng với cả tổ chức và cá nhân. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và liên tục duy trì trong nhiều năm qua.
Năm 2016, thị trường ngoại hối trong nước còn chịu tác động rất lớn về mặt tâm lý từ bên ngoài. Vì vậy, NH Nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu báo cáo trạng thái ngoại tệ thường xuyên; hoàn thiện, tiến tới cách thức điều hành tỉ giá linh hoạt hơn, giảm kỳ vọng và tâm lý găm giữ ngoại tệ; tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ quản lý khác.
* Lãi suất có khả năng giảm tiếp không, thưa bà?
- Lãi suất đã được giảm rất nhiều, 20%-25% cuối năm 2011 đến nay ngắn hạn chỉ còn 6%-9%, trung và dài hạn 9%-11%. NH Nhà nước đã điều hành tốt để giảm mặt bằng lãi suất và giảm lạm phát. Đây là cố gắng lớn.
So với các nước trong khu vực, có thể lạm phát Việt Nam tương tự nhưng chúng ta có sự khác biệt là hệ thống NH đang cơ cấu lại, phải sử dụng một phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn nên khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục khó khăn. Mong muốn giảm lãi suất nhưng giảm ở mức nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần có chính sách phù hợp.
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì quy mô thương mại sẽ tăng lên. Nếu doanh nghiệp (DN) Việt tận dụng được cơ hội thì việc xuất khẩu sẽ tăng, cơ hội cải thiện nguồn vốn ngoại hối lớn. Vì thế, các NH cần có chính sách điều hành linh hoạt và những cải cách để nâng cao năng lực.
Nhà nước còn nắm vốn chi phối, cổ phần hóa còn khó
Cùng ngày, tại hội nghị về công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh yếu tố quyết định việc bán cổ phần có thành công hay không là tỉ lệ nhà nước chi phối tại DN. Ông Vượng đề nghị xem lại quyết định của Thủ tướng về phân loại DN để rà soát lại lần nữa DN nào cần nhà nước nắm giữ phần vốn, DN nào không. Khi lên phương án cổ phần hóa, các DN phải đề xuất phương án bán vốn nhà nước xuống dưới 51% ngay từ đầu. Chính phủ có thể quyết ngay việc này hoặc không nhưng phía DN cần gửi thông điệp rõ ràng cho các nhà đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, cần xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để nhà nước chỉ còn nắm giữ 65%-75% cổ phần tại đây; thoái tiếp vốn còn dưới 50% tại Sabeco và Habeco; tích cực thoái vốn các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và bán mạnh hơn vốn nhà nước tại Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam…
Bình luận (0)