UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo, định hướng các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn thực hiện Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án).
Một góc khu vực phường 11, TP Đà Lạt "phủ trắng" bởi nhà kính.
Bên cạnh đó, các sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) về hỗ trợ một phần lãi suất vay từ ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân vay vốn từ ngân hàng thương mại để di dời, cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới nhà kính.
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để đạt mục tiêu Đề án đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính, đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại nội ô TP Đà Lạt so với năm 2022, kinh phí cần huy động thực hiện di dời, cải tạo và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời dự kiến khoảng 4.820 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2023-2025 cần 964 tỉ đồng.
Do đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trước mắt ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân vay vốn triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục vay vốn để sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho vay vốn để thực hiện di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính và các nội dung khác của Đề án.
Bên cạnh đó, đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay từ ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại để thực hiện đề án bằng phương thức hỗ trợ lãi suất là chi trả trực tiếp cho cá nhân, tổ chức phần chênh lệch lãi suất vay.
Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là đến 2030 di dời nhà kính ra khỏi nội đô TP Đà Lạt.
Tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT, đại diện Agribank chi nhánh Lâm Đồng cho biết rất mong muốn có gói tín dụng ưu đãi cho Đề án. Tuy nhiên, Agribank chi nhánh Lâm Đồng là đơn vị trực thuộc Agribank Việt Nam, việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh phải có chủ trương của Agribank Việt Nam. Do đó Agribank chi nhánh Lâm Đồng không thể xây dựng được gói tín dụng riêng phục vụ vay vốn thực hiện đề án của tỉnh.
Còn phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng lý giải, việc xây dựng các chính sách tín dụng phải do Hội sở các ngân hàng thương mại thực hiện và triển khai trên toàn quốc hoặc theo khu vực. Ngân hàng thương mại, trong đó có Agribank chi nhánh Lâm Đồng không thể xây dựng được gói tín dụng nêu trên để thực hiện đề án.
Ngoài ra, Đề án này là chuyên biệt, phạm vi hẹp và chỉ áp dụng riêng của tỉnh Lâm Đồng (ngoại ô Đà Lạt và một số huyện lân cận) nên rất khó đề xuất gói tín dụng của Chính phủ hoặc cấp Bộ. Do vậy nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các tổ chức, cá nhân khi vay ngân hàng thương mại thực hiện Đề án.
Bình luận (0)