Tại hội thảo quốc tế "Vai trò, tác dụng của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương" do Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức ngày 4-4 tại TP HCM, các diễn giả đánh giá Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả các chỉ dẫn địa lý đã được cấp.
Khai thác kém hơn Campuchia!
Theo PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Do đó, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là lợi thế của Việt Nam trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu vì những sản phẩm này không nơi nào có. Tính đến tháng 3-2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý, trong đó 60 chỉ dẫn của Việt Nam, còn lại là của nước ngoài. Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được cho là khá khiêm tốn về số lượng và chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả của 60 chỉ dẫn đã được cấp.
"Kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm từ chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ tốn 1 đồng thì chi phí để phát triển, thương mại hóa lên đến 1.000 đồng. Tại Hungary có một loại rượu nổi tiếng là vang Tokeji, họ không cần bán nhiều, bán ít nhưng giá rất cao. Để làm được như vậy, Hiệp hội Rượu vang Tokeji quản lý từng gốc nho của nhà vườn hội viên để nắm sản lượng và cấp tem chỉ dẫn địa lý cho từng chai rượu. Trong khi tại Việt Nam, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là nhà nước. Nếu các tỉnh đăng ký chỉ dẫn địa lý xong, giao cho địa phương và để đó, không đầu tư khai thác thì chỉ dẫn địa lý gần như không có giá trị, thậm chí là âm" - ông Đà cảnh báo.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Anh Tuấn, Campuchia chỉ có 2 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là tiêu và thốt nốt nhưng họ đã khai thác rất tốt giá trị lợi thế này bằng cách chú trọng vào chất lượng, tập trung vào một sản lượng nhỏ để xuất khẩu. Cụ thể, hiện giá tiêu của Campuchia lên đến 425 USD/kg, trong khi Việt Nam chỉ bán được 8 USD/kg. Thậm chí, nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới còn sử dụng tiêu Campuchia vào món kem nhờ những hương vị đặc trưng. Do đó, để khai thác tốt, ông Tuấn khuyến nghị các địa phương nên xem chỉ dẫn là thương hiệu.
Lãnh đạo TP HCM và tỉnh Bến Tre xem sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, diễn ra từ ngày 3 đến 8-4 ở TP HCM
50% không có tổ chức quản lý
Nhiều năm tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, TS Delphine Marie Vivien (Pháp) đưa ra thống kê giật mình là hiện có đến 50% chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Như chỉ dẫn địa lý quế Hưng Yên được nhà nước ủy quyền, giao cho hiệp hội ngành quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia.
"Ở Pháp, hiệp hội ngành nghề là chủ sở hữu các chỉ dẫn địa lý trong khi Việt Nam, nhà nước mới là chủ sở hữu. Nhiều trường hợp nhà sản xuất tại địa phương Việt Nam được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý do không biết mình có quyền. Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là một dẫn chứng thú vị khi hiệp hội đứng ra quản lý có đầy đủ thành phần từ nhà nước, nhà rang xay, nông dân trồng cà phê nhưng lại nổi tiếng nhờ vụ kiện lấy lại thương hiệu từ Trung Quốc, còn thực tế rất ít DN sử dụng logo chỉ dẫn địa lý này cho sản phẩm của mình. Việt Nam nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia ngay từ đầu khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vì họ hiểu sâu sắc sản phẩm, quy trình sản xuất và sẽ bảo vệ tài sản vô hình này về sau" - bà Delphine Marie Vivien khuyến nghị.
Thực tế cũng ghi nhận một vài trường hợp chỉ dẫn địa lý mang lại hiệu quả kinh tế cho người liên quan như chả mực Hạ Long đạt chuẩn dán tem chỉ dẫn địa lý có giá gần gấp đôi sản phẩm thường, cam Cao Phong (Hòa Bình) giá tăng hơn 30% sau khi có chỉ dẫn địa lý.
Không được bảo hộ ở Mỹ
Hiện các chỉ dẫn địa lý được Việt Nam cấp sẽ được châu Âu bảo hộ theo thỏa thuận của 2 bên và có giá trị vĩnh viễn. Tuy nhiên, tại Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam - lại không được bảo hộ. Do đó, DN khi xuất khẩu vào Mỹ nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu công ty cùng với chỉ dẫn địa lý. Bảo hộ này có giá trị 10 năm với điều kiện phải có sản phẩm bán trên thị trường, DN muốn tiếp tục bảo hộ phải làm thủ tục gia hạn.
Bình luận (0)