Ngày 19-4, tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Phân tích, đánh giá chuyên sâu về tác động của chỉ số PCI đến môi trường kinh doanh tỉnh An Giang".
Du lịch sinh thái là 1 trong những thế mạnh của An Giang cũng đang được ưu tiên kêu gọi đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh An Giang, cho biết mục đích hội thảo là nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh so với khu vực ĐBSCL và cả nước. Để làm được điều này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động trong giai đoạn 2016-2019 với nhiều mục tiêu cụ thể như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm và phong cách thực hiện công vụ. Tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
"An Giang luôn xem việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ và là động lực phát triển của tỉnh nhà. Bởi lẽ, mỗi năm An Giang chỉ thu ngân sách hơn 6.000 tỉ đồng nhưng chi ra đến hơn 13.000 tỉ đồng nên phải nhờ sự trợ cấp của trung ương khoảng 52%. Đây là nỗi lo, nỗi trăn trở của tỉnh. Chúng tôi luôn quan niệm rằng có doanh nghiệp là có công ăn việc làm cho người dân và phục vụ tốt công tác an sinh xã hội với những chương trình đầy ý nghĩa như mổ tim, xây nhà ở cho người nghèo, hộ chính sách, xây dựng cầu đường, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho tỉnh…".
Cũng theo ông Lê Văn Nưng, hiện An Giang đã thành lập Ban Hỗ trợ Doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và sẽ phát hành thông báo kết luận sau 15 phút tại cuộc họp nên đến nay không còn tồn đọng những kiến nghị nào. Các ngành, các địa phương buộc phải giải trình đối với những chậm trễ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, thường trực UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo 6 đơn vị thanh tra chuyên ngành như CSGT; thanh tra Giao thông; xây dựng; tài nguyên và Môi trường; khoa học và công nghệ; quản lý thị trường cùng các lực lượng thanh tra chuyên ngành khác để hỗ trợ các doanh nghiệp về lĩnh vực có liên quan. Bởi lẽ những lực lượng này trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp nên phải hết sức linh hoạt trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh tại địa phương cũng như khâu vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Pháp chế kiêm Giám đốc Chương trình PCI thuộc VCCI, cho biết theo kết quả điều tra năm 2018 vừa được công bố thì đây là năm thứ 3 An Giang tăng điểm và tăng hạng với 5 chỉ tiêu vượt trội so với năm trước đó. Trong đó có chỉ tiêu về cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức và chi phí về thời gian cho các doanh nghiệp. Điểm sáng trong môi trường kinh doanh ở An Giang là các doanh nghiệp đều được cấp giấy quyền sử dụng đất, không gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đa. Các doanh nghiệp được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất, không gặp cản trở mở rộng mặt bằng sản xuất và tỉnh luôn thay đổi khung giá phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, An Giang cần cải thiện hơn nữa trong việc đánh giá bộ phận 1 cửa, chất lượng website của tỉnh và tập trung nhiều thông tin mà doanh nghiệp cần.
Bình luận (0)