Sau 3 lô nước giải khát trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị tạm dừng lưu thông từ ngày 20-5 do có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, đến tối 23-5, tiếp tục có thêm 2 lô sản phẩm này của Công ty TNHH URC (Hà Nội) vi phạm quy định.
Đồng loạt rút hàng, buôn bán ế ẩm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động sáng 24-5 tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM, các sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ không còn trên các kệ hàng. Anh Nguyễn Vinh Quang, chủ một siêu thị mini ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết ngay sau khi có thông tin về nước ngọt C2 nhiễm chì, siêu thị đã không nhập mặt hàng trên mặc dù trước đó sản phẩm nước giải khát này bán khá chạy.
Tại một số siêu thị khác, nhân viên bán hàng cho biết liên quan các đến thông tin nghi nhiễm chì nên siêu thị tạm thời ngừng nhập sản phẩm trà xanh C2 và Rồng đỏ. Bà Hậu, chủ một quán nước vỉa hè trên phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết: “Trước đây, nước giải khát C2 và Rồng đỏ được nhiều người hỏi mua nhưng đợt này ai cũng bảo có chì. Tôi xem trên nhãn thì không thấy trùng với sản phẩm bị thu hồi nhưng tâm lý chung là sợ bởi hơi đâu mỗi lần uống nước lại đi so sánh kết quả”.
Tại TP HCM, siêu thị Emart của Hàn Quốc cho biết cũng đã rút toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC ra khỏi kệ hàng. Theo ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart Gò Vấp, hiện chưa có thống kê ảnh hưởng doanh thu các sản phẩm của URC sau thông tin nước giải khát của hãng này chứa chì nhưng tâm lý người tiêu dùng e ngại sản phẩm nên chắc chắn ảnh hưởng đến doanh số. Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cũng thông báo siêu thị đã tạm ngưng bày bán sản phẩm C2, Rồng đỏ và các sản phẩm khác của Công ty URC Việt Nam, chờ thông tin chính thức từ Bộ Y tế và nhà cung cấp.
Trong khi đó, 2 hệ thống siêu thị lớn là Co.opmart và Big C chọn giải pháp hợp tác thu hồi sản phẩm thuộc các lô bị thu hồi chứ không rút toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng đỏ khỏi quầy kệ.
Nhân viên cửa hàng tiện lợi Circle K trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết thông tin nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến lượng tiêu thụ này sụt giảm đáng kể. Hiện tại, hệ thống này đã tạm thời ngưng nhập thêm các loại sản phẩm để chờ kết luận cuối cùng.
Còn anh Huỳnh Ngọc Nam, chủ quán cà phê Chợt Nhớ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), nói: “Sau thông tin trà xanh các loại có ruồi, gián không bảo đảm vệ sinh nên nhiều thực khách chuyển sang uống C2 nhưng giờ thì họ cũng tẩy chay luôn. Hơn 1 tháng mà quán bán chưa hết 5 thùng nước giải khát C2 các loại”.
Tiếp tục lấy mẫu kiểm nghiệm
Dân “nghiền” hai nước giải khát này thì tỏ ra khá lo lắng về tình trạng sức khỏe. Bạn Hoàng Anh Huy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Hà Nội, cho biết trước đây, anh và các bạn thường xuyên uống nước trà xanh C2. Thế nhưng, sau khi có thông tin sản phẩm có chì vượt ngưỡng, Huy đành “đoạn tuyệt” với món nước giải khát này. “Chẳng biết thường xuyên uống loại nước ngọt này như em liệu có phải đi kiểm tra chì trong máu hay không” - Huy băn khoăn.
Trong khi đó, chủ cửa hàng kinh doanh nước giải khát trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP HCM) cho rằng khách hàng không nên tẩy chay sản phẩm trước khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng. “Tôi nghĩ những lô nhiễm chì đó chắc là do hệ thống máy móc sản xuất bị trục trặc thôi” - người này chia sẻ.
Anh Minh Thanh, nhân viên phân phối nước giải khát C2 và Rồng đỏ tại TP HCM, cũng cho rằng Công ty TNHH URC có tất cả 4 nhà máy sản xuất các loại nước giải khát nói trên. Sản phẩm nhiễm chì chỉ có ở một số tỉnh phía Bắc, còn khu vực phân phối tại TP HCM là do nhà máy ở Bình Dương cung cấp nên tuyệt đối không ảnh hưởng, người tiêu dùng không nên hoang mang về sự cố này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết hiện đoàn thanh tra vẫn đang tổng hợp các số liệu liên quan đến việc thu hồi các lô hàng nước giải khát C2 và Rồng đỏ không đạt tiêu chuẩn của Công ty TNHH URC Hà Nội để báo cáo lãnh đạo xử lý. Với các lô hàng không nằm trong danh sách các sản phẩm bị yêu cầu thu hồi và tạm dừng lưu hành vẫn được lưu thông và sử dụng bình thường.
Cũng theo ông Nhiên, trong thời gian tới, các đoàn thanh tra sẽ tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên các lô sản phẩm khác của C2 và Rồng đỏ trên thị trường để kiểm nghiệm hàm lượng chì. Ngoài thị trường miền Bắc, các mẫu sản phẩm kiểm nghiệm cũng được lấy tại thị trường miền Trung và miền Nam.
Chì vượt ngưỡng rất hại cho sức khỏe
Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/lít có nghĩa uống nước này, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm có chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em.
Theo bác sĩ Duệ, mức độ ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào số lượng nước có chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể và chức năng thận của mỗi người. “Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt; còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc. Chì có tác hại rất lớn nên các nhà sản xuất cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định hàm lượng chì trong ngưỡng cho phép trong các sản phẩm như nước có màu, đồ chơi” - bác sĩ Duệ nhấn mạnh.
Bình luận (0)