Ngày 27-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH trên địa bàn thành phố năm 2014.
Lãi suất cho vay có thể giảm 1%-2%
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết do trong năm 2013 lạm phát có tín hiệu tích cực nên NHNN đã giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 8%/năm rồi giảm còn 7%/năm đối với các kỳ hạn gửi từ 1-6 tháng. Thế nhưng rất nhiều NH thương mại huy động được lượng vốn lớn với lãi suất thấp hơn mức trần. Kết thúc năm 2013, lạm phát chỉ 6%/năm, người gửi tiền đã hưởng được lãi suất thực dương. “Đây sẽ là điều kiện để NHNN điều hành lãi suất tiền gửi năm 2014 ngang với mặt bằng lãi suất năm 2013. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thị trường”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ UBND TP HCM, cho rằng NHNN cần hướng chính sách tiền tệ theo chuẩn quốc tế, tìm các giải pháp để kích thích tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt là lãi suất tại Việt Nam hiện còn cao hơn khá nhiều so với lãi suất của các quốc gia khác nên cần phải giảm thêm, nhất là trần lãi suất cho vay ngắn hạn 9%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao) là quá cao. Theo bà Hồng, thông qua chương trình kết nối NH và DN do UBND TP HCM tổ chức, các NH trên địa bàn chỉ mới giải ngân cho các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên 126.412 tỉ đồng. Nếu trong năm 2014 chương trình này tiếp tục lan tỏa thì đây sẽ là đầu ra không nhỏ cho hệ thống NH. Do đó, ngoài việc giảm thêm lãi suất, NHNN nên tính đến việc mở rộng đối tượng được ưu tiên vay vốn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết khi có điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ giảm ngay lãi suất đầu vào để lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Riêng kết quả khảo sát của NHNN về lãi suất vay, hầu hết NH thương mại cho rằng lãi suất cho vay trong thời gian tới có thể giảm thêm 1%-2%.
Liên quan đến thị trường ngoại tệ, ông Bình khẳng định năm 2014 NHNN sẽ điều hành tỉ giá ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ và nếu có điều chỉnh thì tỉ giá sẽ tăng không quá 2%.
Điều chỉnh cơ cấu, phân loại nợ
Số liệu của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy các NH thương mại trên địa bàn khoanh nợ, giãn nợ được gần 115.000 tỉ đồng cho hơn 6.000 khách hàng, giảm lãi suất cho trên 63.600 khách hàng. Còn tỉ lệ nợ xấu là 5,5% trong tổng dư nợ cho vay, tương đương 51.161 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc NH cơ cấu lại nợ cho khách hàng phát sinh tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn đã vượt quy định. Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín, cho biết khó khăn của các NH hiện nay là tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn vượt quá giới hạn cho phép 30%. Trong khi đó, cơ cấu lại nợ tức là NH phải gia hạn thời gian cho vay, đồng nghĩa tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tăng lên. Vì thế, ông Khang đề xuất NHNN điều chỉnh tỉ lệ này lên 35%, đến thời điểm thích hợp sẽ đưa về tỉ lệ 30%.
Theo ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nếu các NH không cơ cấu nợ cho DN thì tỉ lệ nợ xấu trên địa bàn TP HCM lên tới 10%. Sắp tới, Thông tư 02 có hiệu lực sẽ tạo áp lực xấu lên các NH. Vì thế theo ông Lịch, để tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt 12%-14%, các NH cần phối hợp với chính quyền địa phương xem xét từng DN chưa trả được nợ NH nhưng lại có tiềm năng để cho vay tiếp.
Trước những đề xuất trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ cân nhắc điều chỉnh tỉ lệ cho vay ngắn hạn sao cho phù hợp, một số chỉ tiêu về nhóm nợ, phân loại nợ của Thông tư 02 cũng sẽ được điều chỉnh có lộ trình. Ông Bình cho biết tính đến ngày 27-12, dư nợ cho vay của toàn hệ thống NH đạt 11%, phù hợp với “sức khỏe” và tính thanh khoản của từng NH. Nếu các năm trước, hệ số sử dụng vốn lên tới 120%, tức các NH đã sử dụng vốn vượt quá nguồn vốn của mình, thì năm 2013 hệ số này chỉ có 91%. Điều này lý giải vì sao vào thời điểm cuối năm, nguồn vốn ra vào của các NH ổn định.
Nợ xấu tăng thêm 3.297 tỉ đồng
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP HCM, hiện tỉ lệ nợ xấu của các NH trên địa bàn gần 5,5% (tương đương 51.161 tỉ đồng) trong tổng dư nợ cho vay hơn 952.000 tỉ đồng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn (nhóm 5) chiếm tỉ trọng cao nhất. Việc nợ xấu tiếp tục tăng thêm 3.297 tỉ đồng so với cuối năm 2012 đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng tín dụng cũng như kết quả kinh doanh của nhiều NH do không thu hồi được nợ, đồng thời phải trích lập dự phòng rủi ro.
Bình luận (0)