Livestream (phát hình trực tiếp trên mạng) bán hàng tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng đầu năm 2019 và càng được ưa chuộng trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhiều vấn đề bất cập của hình thức bán hàng qua livestream đã lộ ra.
Đánh vào tâm lý thích giá rẻ
Tại Trung Quốc, Hàn Quốc - những thị trường thương mại điện tử lâu đời, hình thức bán hàng livestream mang lại những nguồn thu khổng lồ, sản sinh ra một thế hệ KOLs (người có sức ảnh hưởng) bán hàng chuyên nghiệp với tất cả các sản phẩm từ quần áo, đồ dùng gia đình giá rẻ cho đến những mặt hàng giá trị cao như ôtô. Sở dĩ hình thức này ngày càng thịnh hành bởi người dùng được cảm nhận sản phẩm một cách chân thật, không cách biệt, màu mè như các đoạn phim quảng cáo, tạo độ tin cậy cao và thao tác mua sắm đơn giản.
Lực lượng QLTT phát hiện một kho chứa hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Hưng Yên .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Còn tại Việt Nam, phần những người livestream bán hàng đánh vào tâm lý thích mua đồ tốt với giá rẻ. Người bán giới thiệu toàn là hàng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng có giá chỉ một vài trăm ngàn đồng/sản phẩm, trong khi hàng thật từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng.
Một chiếc túi được quảng cáo là "túi LV kẹp nách" trong livestream của trang bán hàng tên Túi xách Hana (địa chỉ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có giá chỉ… 99.000 đồng. Livestream này thu hút hàng ngàn lượt người xem, comment (bình luận), còn người bán thì tới tấp chốt đơn nhờ mức giá siêu rẻ. Nhiều mặt hàng khác như đồng hồ đeo tay chống nước, quần áo, nước hoa… được gắn mác hàng hiệu với giá chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng cũng được người bán giới thiệu trong livestream kéo dài hàng giờ này. Chưa hết, người bán còn "cao hứng" tặng miễn phí túi Furla cho khách hàng có sự tương tác và chia sẻ livestream vào nhiều hội, nhóm khác.
Chị Hồ Mộng Lý, ở quận Bình Thạnh, TP HCM, tự nhận mình là "tín đồ" của mua hàng livestream. Ngày nào chị cũng vào xem livestream bán hàng đến khi mòn mỏi mới chịu tắt máy. Tất cả chỉ vì "đồ đẹp và rẻ quá", nên lần nào xem chị cũng nổi hứng đặt mua vài ba món. Một phần nữa là do người bán giới thiệu hay, hấp dẫn quá nên chị bị "nghiện" mua lúc nào cũng không biết.
Chị Út Huệ (ở TP Thủ Đức) cũng rất thích mua hàng qua livestream dù biết phần lớn hàng hóa đều chất lượng kém nhưng vì giá rẻ và mẫu mã đẹp nên mua về xài không được có bỏ cũng không tiếc. "Đôi giày nữ họ bán y hệt trong trung tâm thương mại nhưng giá chỉ có 130.000 đồng. Mua về sử dụng chỉ hai, ba lần đã bị "há họng", chưa kể bị đau chân nhưng vì giá chỉ hơn trăm ngàn nên cũng không ai đi khiếu kiện làm gì" - chị Út Huệ chia sẻ.
Ông Kiều Thanh Phước, kinh doanh quần áo tại chợ Tân Bình, TP HCM, khẳng định hàng hóa bán theo kiểu livestream toàn là hàng Trung Quốc. Những mặt hàng này muốn gắn thương hiệu nổi tiếng nào cũng được thực hiện dễ dàng với giá rẻ không tưởng, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Từ phản ánh của khách hàng, chúng tôi truy cập vào một trang bán hàng có tên D.B trên Facebook. Thiết kế trang bán hàng này khá chuyên nghiệp, có góc đăng hình ảnh sản phẩm kèm hướng dẫn sử dụng, góc tư vấn làm đẹp… tạo cảm giác đây là trang bán hàng cực kỳ uy tín, thậm chí còn bị nơi khác giả mạo.
Trang này còn mời nhiều người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng livestream giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm của mình với hàng loạt công dụng thần kỳ với da. Trên trang còn một đoạn livestream ngắn của một cô gái trẻ nhưng khá tự tin và chuyên nghiệp: "Hôm nay H. quay clip này để xác minh với mọi người Fanpage với tên gọi D.B có gần 500.000 lượt follow chính là Fanpage chuẩn, trực thuộc tổng công ty D.B, bán hàng chính hãng thương hiệu D.B. Nhà mình mua hàng tại trang này là yên tâm 100% hàng chuẩn. Tất cả những trang khác đều là giả hết…".
Nhưng thực tế không phải vậy. Sản phẩm của trang bán hàng này bị không ít website và diễn đàn uy tín "bóc phốt" là kem trộn, gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng. "Họ tư vấn nghe hay và thuyết phục quá nên tôi mua dùng thử, không ngờ da bị hư nặng, phải vào bệnh viện điều trị nhưng cũng không phục hồi lại như ban đầu" - một người từng dùng mỹ phẩm D.B kể.
Không ai kiểm soát!?
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, cho biết thời gian qua hội nhận rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng mua hàng kém chất lượng qua mạng xã hội, livestream nhưng điểm chung là đơn khiếu nại không có địa chỉ cụ thể của tổ chức, cá nhân bán hàng. "Có người còn kể họ mua hàng dỏm qua trang Facebook, khi comment phàn nàn thì bị chủ trang đó block (chặn) luôn. Chúng tôi nhận đơn nhưng không thể mời người bán đến để hòa giải theo chức năng của hội nên phải từ chối. Có người tiêu dùng bức xúc kiện đến tòa nhưng tòa cũng không nhận đơn vì lý do tương tự. Chỉ có cơ quan công an mới có chức năng điều tra nhưng thường những vụ có giá trị thiệt hại nhỏ, vài trăm ngàn đồng nên công an cũng không tiếp nhận. Đơn cử như trường hợp nhiều khách hàng xem livestream thấy quảng cáo sạc dự phòng nhỏ gọn như một chiếc USB giá hơn 300.000 đồng, họ còn quay clip với nhiều tính năng ưu việt nhưng khi nhận hàng chỉ có hộp đẹp, bên trong không có gì" - bà Việt Thu cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cũng thừa nhận bán hàng trên mạng xã hội hiện nay rất bát nháo, toàn hàng kém chất lượng nhưng không ai kiểm soát.
Theo bà Thu, bán hàng qua mạng hay livestream là hình thức rất phổ biến hiện nay nhưng khách hàng trước khi mua phải biết rõ nơi bán để khi gặp sự cố có thể đòi được quyền lợi. Bà Thu cũng cảnh báo gần đây còn có tình trạng các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng nhưng lại bán nước hoa giả với chiêu "hàng cận đát cần thanh lý". "Họ hay quảng cáo là nước hoa Pháp, sản xuất tại Singapore với giá chỉ bằng 1/10 so với hàng thật. Bản thân tôi biết về nước hoa nên thử đặt 4 hộp với điều kiện phải cho tôi mở ra ngẫu nhiên 1 hộp, nếu đúng hàng mới trả tiền, họ đồng ý nhưng cuối cùng lại không giao hàng. Lần sau tôi đặt lại, khi nhận được hàng thì thấy họ đầu tư bao bì rất kỹ, rất giống hàng thật với nhiều lớp bọc, mã vạch sắc nét, chỉ khi mở chai ra thử mới nhận ra hàng giả vì khác màu, khác mùi và đầu xịt không phun sương mà rơi thành giọt" - bà Thu kể trải nghiệm của chính bản thân.
Trước thực trạng livestream bán hàng trên mạng bát nháo, thật giả lẫn lộn như hiện nay, bà Thu đề nghị nhà nước cần sớm vào cuộc để quản lý. Hội chỉ có chức năng hòa giải, không có phương tiện để kiến nghị, xử lý các vụ việc. Nếu khách hàng kiện ra tòa cũng khó có thể xử lý được vì không biết người bán ở đâu.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua lực lượng QLTT đã nhận thức được tình trạng bán hàng dỏm, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng nên đã triển khai hàng loạt mũi tấn công vào các cơ sở kinh doanh vi phạm. Mới đây, tại một điểm tập kết hàng hóa ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, lực lượng QLTT phối hợp với cơ quan công an thu giữ 93.400 sản phẩm, chủ yếu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và rượu do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra. Hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage "Chego Shop - Thế giới hàng Nhật", "Chego hàng Nhật EU" và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Viber.
Tại "Shop Thủy Top" ở địa chỉ 455A Bát Khối, Long Biên, Hà Nội, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tại đây, các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều "đạo cụ" phục vụ livestream.
Vài tuần trước, QLTT Đồng Nai cũng ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với một cửa hàng ở huyện Long Thành về việc kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ và giả mạo nhãn hiệu nước hoa Chanel và Gucci. Đáng chú ý, chủ cửa hàng là vợ một nghệ sĩ nổi tiếng. Người này cũng thường xuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội.
Chờ sửa nghị định
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thừa nhận có tình trạng bát nháo trong kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nội dung sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử. Trong thời gian chờ sửa đổi, chỉ còn một cách là tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt để hạn chế tình trạng này. "Trong 6 tháng đầu năm, một số đơn vị thuộc tổng cục đã ghi nhận số lượng hàng hóa bị thu giữ và xử phạt chiếm đến 50% tổng lượng bắt giữ, cho thấy xu thế chuyển đổi kinh doanh sang kênh online. Do vậy, chính sách, cơ chế quản lý cũng cần có thay đổi để phù hợp với diễn biến thực tế" - ông Trần Hữu Linh cho hay.
Bình luận (0)