Dù đã bàn thảo nhiều cách mở đường thuận lợi cho xăng sinh học xâm nhập thị trường và chiếm lòng tin của người tiêu dùng nhưng đến sát thời hạn bắt buộc thay thế xăng RON 92 bằng E5, doanh nghiệp (DN) vẫn lo lắng bị sụt giảm lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa an tâm.
Chọn E5 hay RON 95?
Một trong những vướng mắc lớn khiến việc triển khai E5 khó "thông" là tâm lý lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng.
Sở Công Thương TP HCM trong một báo cáo mới đây đã lường đến tình huống thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng RON 95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng cao mặt hàng này, ảnh hưởng nguồn cung.
Nếu triển khai đồng loạt, lượng xăng E5 tiêu thụ ở TP HCM có thể lên hơn 86.000 m3 mỗi thángẢnh: Tấn Thạnh
Theo dự báo của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), quyết định dừng bán toàn bộ xăng RON 92 có thể làm lượng tiêu thụ xăng E5 trên cả nước tăng lên 5,3 triệu m3. Tuy nhiên, không loại trừ một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng RON 95.
Giải bài toán nguồn cung
Về nguồn cung, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, ông Lưu Quang Thái, cho hay từ ngày 1-11, Nhà máy ethanol Tùng Lâm (tỉnh Đồng Nai) bắt đầu tăng công suất và sản lượng sản xuất ethanol, dừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng dự trữ ethanol nhằm chuẩn bị cung ứng cho thị trường khi nhu cầu tăng cao. Tương tự, Nhà máy ethanol Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vốn sản xuất ethanol với 90% công suất nhưng không liên tục thì nay cũng tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng khi thị trường cần. Nhà máy ethanol Dung Quất thì bàn phương án sửa chữa, cải hoán, bổ sung trang thiết bị, máy móc. Nếu suôn sẻ, sau 90 ngày sửa chữa, Dung Quất sẽ đạt công suất tối thiểu 60%. Sau khi vận hành ổn định 3 tháng, có thể nâng công suất lên 90%.
Đặc biệt, Nhà máy ethanol Bình Phước dự kiến giữa tháng 12-2017 sẽ cho ra sản phẩm ethanol, sớm hơn mốc triển khai xăng E5 nửa tháng. Đó là còn chưa kể 2 nhà máy cồn ở Kon Tum và Đắk Nông, tuy không sản xuất ethanol nhưng nếu thị trường trong nước cần, 2 nhà máy này có thể sẵn sàng đầu tư thêm thiết bị tách nước và chỉ mất 180 ngày là có thể sản xuất được cồn phục vụ cho pha chế xăng sinh học.
"Như thế, ngay trong quý I/2018, sản lượng sản xuất ethanol cả nước có thể đạt 27.720 m3/tháng, đáp ứng đủ nhu cầu pha xăng E5. Từ quý II/2018, nguồn cung có thể nhiều hơn" - ông Thái khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng cho biết từ cuối năm 2014 đến nay, tập đoàn đã đầu tư và vận hành 5 điểm phối trộn E5. Dự kiến, nửa đầu năm 2018, tập đoàn tiếp tục đầu tư thêm 2 điểm phối trộn và nâng cấp 1 điểm có sẵn. Khi đó, tổng công suất của 7 điểm phối trộn là 1,8 triệu m3/năm. Từ nửa cuối tháng 12/2017 trở đi, Petrolimex đủ năng lực phối trộn nguồn E5 cho hệ thống phân phối trực thuộc.
Với PVOil, Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Trình cho hay sau khi nâng cấp, cải tạo hệ thống kho chứa, pha chế, tổng công suất E5 của DN này khoảng 1,68 triệu m3/năm, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng E5 của công ty.
Với vai trò nhà quản lý, Bộ Công Thương cũng tự tin với kế hoạch nếu khôi phục Nhà máy ethanol Dung Quất vào quý I/2018, tổng cung ethanol sẽ khoảng 400.000 m3/năm. Về các trạm trộn, theo báo cáo của Petrolimex và PVOil, có thể đáp ứng đủ nhu cầu xăng E5 cho thị trường. "Như vậy, hai bài toán về nguồn cung cũng như việc phối trộn đã được giải. Để triển khai thành công theo đúng lộ trình từ ngày 1-1-2018, việc còn lại chỉ là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông. Từ khi xăng E5 triển khai tại 7 địa phương vào cuối năm 2014 đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng, chứng tỏ xăng E5 an toàn cho động cơ" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận.
Tạo niềm tin bằng giá cả
Theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, vấn đề cần quan tâm giải quyết là tất cả nhà máy sản xuất ethanol của Việt Nam đều lấy sắn làm nguyên liệu chính và giá nguyên liệu này chiếm hơn 70% giá thành ethanol. Song, không thể không lường đến việc sớm muộn, nguồn cung sắn của Trung Quốc tăng giá khiến giá sắn Việt Nam tăng theo. Khi đó, giá ethanol sản xuất trong nước cũng phải tăng theo.
Về phía DN, nguồn cung không khiến họ lo ngại bằng vấn đề giá cả và sự ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo một DN đầu mối xăng dầu, nếu loại bỏ hoàn toàn xăng RON 92 thì cần hơn 200.000 tấn ethanol/năm. Nếu tính cả 100.000 tấn công suất của Nhà máy ethanol Bình Phước thì cả nước mới sản xuất được tròn 200.000 tấn ethanol, vẫn còn thiếu vài chục ngàn tấn. Nhưng thực tế, lượng tiêu thụ sẽ không thể tới con số này nên nguồn cung dự báo không quá căng thẳng, phức tạp. Chỉ còn lại vấn đề hiệu quả kinh tế đối với DN.
Thực tế, giá xăng E5 thấp hơn RON 95 khoảng 1.000-1.200 đồng/lít và DN cho rằng đó là một trong những động lực hiếm hoi giúp họ tin tưởng vào hoạt động kinh doanh E5 tới đây. Nhưng chênh lệch này vẫn chưa đủ. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để điều chỉnh các mức thuế, giá sao cho hấp dẫn hơn, giúp DN cũng như người tiêu dùng ưu tiên hơn khi lựa chọn xăng E5.
240/534 cây xăng ở TP HCM đã kinh doanh xăng sinh học
Theo Sở Công Thương TP HCM, tính đến đầu tháng 12, mỗi tháng TP tiêu thụ 130.100 m3 xăng. Trong đó, nhiều nhất là xăng A92 (60,5%), xăng A95 (33,3%) và xăng E5 (6,2%, tương đương 8.053 m3/tháng). Hiện có 240/534 cây xăng trên địa bàn TP đã kinh doanh xăng E5. Nếu triển khai đồng loạt tại 534 cây xăng thì sản lượng tiêu thụ E5 dự kiến khoảng 86.802 m3/tháng. Với sản lượng này, các đơn vị chủ lực phối trộn và kinh doanh xăng E5 thừa năng lực cung cấp. Từ ngày 15-12, Sở Công Thương TP HCM sẽ phối hợp với QLTT kiểm tra toàn bộ các cây xăng trên địa bàn về tình hình chuẩn bị cung ứng xăng E5 theo lộ trình đã được công bố. Ng.Ánh
Bình luận (0)