Trao đổi với báo chí ngày 9-11, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết các bang của Mỹ sẽ kiểm phiếu và thông báo chính thức về kết quả bầu cử tổng thống. Đại sứ Ted Osius cho rằng: “Những gì các bạn thấy hôm nay chưa phải kết quả chính thức mà chỉ là dự báo của các hãng truyền thông. Nếu như bất cứ ứng viên nào quan ngại về sự công bằng của kết quả bầu cử đều có một quy trình giải quyết quan ngại đó. Hiện mọi người quan tâm kết quả bầu cử nhưng đến ngày 6-1-2017, quốc hội mới họp và các đại cử tri quyết định, lúc đó mới chính thức có kết quả bầu cử tổng thống”.
Khẳng định sự gắn kết với châu Á
Theo Đại sứ Ted Osius, khi kết quả bầu cử được xác định chính thức thì sẽ chỉ định chính phủ mới và đến tháng 1-2017, mọi người sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Không thể dự đoán chính xác chính sách của Mỹ dưới thời tổng thống mới sẽ như thế nào nhưng Đại sứ Mỹ khẳng định cả hai đảng chính của Mỹ đều ủng hộ tăng cường quan hệ với châu Á, trong đó có Việt Nam. Tương lai của Mỹ sẽ gắn chặt với châu Á dù ai trở thành tổng thống mới của Mỹ. “Theo tôi, dưới thời chính quyền mới, chính sách của Mỹ đối với khu vực là không thay đổi, vẫn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm các tuyến hàng hải, hàng không trong khu vực đều được mở cho tất cả các bên” - ông Ted Osius nhấn mạnh.
Ngành may mặc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực - Ảnh: Tấn Thạnh
Trao đổi với báo chí khi theo dõi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng do là nền kinh tế đang hội nhập rất mạnh mẽ nên những gì xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu đều ảnh hưởng đến Việt Nam. Bà hy vọng những gì chính quyền Mỹ đã thể hiện trong nhiệm kỳ của ông Barack Obama, tổng thống mới sẽ quan tâm thúc đẩy các quan hệ với Việt Nam, kể cả kinh tế.
Bà Chi Lan lo ngại ông Trump làm tổng thống thì không thể dự đoán chính sách của nước Mỹ và những gì sẽ xảy ra cho thế giới lẫn nền thương mại thế giới. “Tôi rất quan tâm nền kinh tế thế giới có thể ổn định lại hay không, những ký kết về thương mại với các nước về cơ bản có được giữ hay không. Ông Trump đã nói rằng sẵn sàng phá vỡ tất cả, như vậy, với vai trò của một nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu” - bà Chi Lan lo ngại.
Quyết tâm thúc đẩy phê chuẩn TPP
Về băn khoăn đối với tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cả hai ứng viên Mỹ đều phản đối hiệp định này, Đại sứ Mỹ cho rằng ông Barack Obama vẫn là Tổng thống Mỹ cho đến tháng 1-2017. Tổng thống Obama và chính phủ đương nhiệm quyết tâm thúc đẩy để TPP được phê chuẩn trong năm nay. Dù TPP không được quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, nước Mỹ vẫn có lợi ích mạnh mẽ trong việc mở rộng thương mại. “Người Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nên chúng tôi vẫn tiếp tục muốn thúc đẩy các hoạt động thương mại, buôn bán với phần còn lại của thế giới” - Đại sứ Mỹ kỳ vọng.
Cùng quan điểm này, trong một lần trao đổi với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng TPP là việc rất phức tạp. Nước Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do TPP vừa có tính kinh tế vừa có tính chiến lược. TPP là một vấn đề của tranh cử ở nước Mỹ cho nên bảo hộ mậu dịch, xu hướng hướng nội làm cho hiệp định này ít gặp sự ủng hộ hơn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử, điều này sẽ thay đổi.
Một chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định việc bầu cử và chính sách của Mỹ không giống nhau, có sự khác biệt giữa đường lối kinh tế của các ứng cử viên và chính sách kinh tế cụ thể của nước Mỹ sau khi một trong các ứng cử viên trở thành tổng thống mới.
Bình luận (0)