Mục tiêu của TP HCM đến cuối năm 2017 là tất cả các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động để nhường chỗ cho các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên đến nay, thị phần giết mổ heo tại TP phần lớn thuộc về các thương lái - những người thuê ô vựa tại các cơ sở giết mổ hiện hữu để tổ chức giết mổ và cung cấp thịt ra kênh truyền thống, chiếm khoảng 80% thị phần.
Cấm thịt từ lò mổ thủ công?
Thịt tiêu thụ ở các kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…) chỉ mới chiếm 20% do một số doanh nghiệp (DN) có thương hiệu tổ chức hoặc gia công giết mổ. Các nhà máy giết mổ hiện đại tương lai không dễ lấy đi thị phần của các thương lái hiện tại mà chỉ có thể tự tổ chức giết mổ và tiêu thụ một phần, còn lại sẽ thực hiện giết mổ gia công theo yêu cầu khách hàng để bảo đảm công suất nhà máy.
Mục tiêu của TP HCM cuối năm 2017 là tất cả các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động
Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An, chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) công suất 2.000 con/ngày, dự tính khi nhà máy đi vào hoạt động tháng 5-2018 sẽ tự tổ chức giết mổ, phân phối sản phẩm có bao bì khoảng 30% công suất. Khoảng 70% công suất còn lại để gia công theo yêu cầu khách hàng. Phí gia công ước tính sẽ cao gấp 2-3 lần so với giá gia công của các lò thủ công nên nhiều khả năng thương lái sẽ chuyển về tỉnh giết mổ thủ công rồi đưa thịt về bán tại TP HCM. Nếu điều này xảy ra, quy hoạch giết mổ công nghiệp tại TP HCM sẽ "vỡ trận". Do đó, để thương lái chuyển sang giết mổ công nghiệp thì TP phải có hàng rào kỹ thuật nhằm bảo đảm điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Nghĩa là nếu TP không cho phép giết mổ thủ công thì thịt mổ thủ công sẽ không thể được tiêu thụ trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhựt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI), chủ đầu tư dự án nhà máy giết mổ công nghiệp công suất 2.000 con/ngày tại huyện Củ Chi, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2018. Tuy nhiên, cũng như các chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp khác, DN này cảm thấy bất an và lo lắng nếu có thêm lò giết mổ thủ công tại TP HCM. Điều này có thể giết chết các lò giết mổ hiện đại trong đó có dự án của SAGRI. "Để đầu tư một nhà máy giết mổ hiện đại, chúng tôi phải bỏ ra khoản vốn rất lớn dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao và thời gian thu hồi vốn kéo dài, khả năng lỗ là rất cao. Nếu TP không có biện pháp dẹp bỏ các lò thủ công và ngăn chặn việc vận chuyển thịt tươi sống mổ thủ công từ địa phương khác về thì các lò mổ hiện đại không thể cạnh tranh nổi. Nguy cơ phải đóng cửa là không tránh khỏi, như trường hợp dự án nhà máy giết mổ hiện đại Donafoods ở Đồng Nai đã gặp phải" - ông Nhựt nói.
Ông Văn Đức Mười, chuyên gia ngành chăn nuôi, cũng đề nghị nhà nước nên gấp rút và triệt để chấm dứt giết mổ thủ công. Thời gian đầu có thể bị phản ứng nhưng phải chấp nhận. Đừng lo thiếu thịt trên thị trường hay thương lái mất việc mà hãy vì an toàn thực phẩm cho hơn 10 triệu dân TP. "Cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, hỗ trợ cho thịt sạch phát triển. Đối với các nhà máy giết mổ công nghiệp, thời gian đầu nhà nước có thể thực hiện trợ giá giết mổ để hỗ trợ các chủ đầu tư" - ông Mười đề xuất.
Doanh nghiệp đi trước bị thiệt
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp khi công bố quy hoạch giết mổ năm 2016, TP HCM có 105 chủ thể tham gia giết mổ heo (DN hoặc thương lái) thì có đến 33 chủ thể phân vân chưa chọn nhà máy công nghiệp nào để về, 19 chủ thể chọn về tỉnh giết mổ, 3 trường hợp sẽ ngừng hoạt động. Những trường hợp còn lại chọn mổ công nghiệp tại các dự án đang triển khai của Vissan, HTX Tân Hiệp, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, SAGRI. Nhưng tất cả đều là dự tính khi dự án chậm tiến độ và chính sách điều hành thiếu nhất quán, chưa kiên quyết dẹp các lò mổ thủ công.
Ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, DN đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp tại Hóc Môn rộng 86.000 m2, dự kiến hoạt động từ quý I/2018), để thực hiện dự án này, DN đã phải trải qua hành trình 7 năm với hơn 40 thủ tục hành chính và bỏ ra trên 200 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể đi vào sản xuất. Trong thời gian trên, lò giết mổ Xuyên Á đã nâng công suất từ 500 con lên 5.000 con/ngày, trong khi mặt bằng chưa tới 7.000 m2. "Rõ ràng xét về các điều kiện để hoạt động giết mổ thủ công thì nhà máy của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn tốt hơn hẳn lò mổ Xuyên Á nhưng lại không được hoạt động. Điều hành quản lý như vậy có công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư hay không?" - ông Mỵ bức xúc.
Theo ông Văn Đức Mười, với cách điều hành quản lý như hiện nay thì tất cả các chủ đầu tư nhà máy giết mổ đều thiệt hại, kể cả dự án của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn. "May mà dự án chưa hoàn thành, nếu hoàn thành sẽ chết trước vì dùng không hết công suất, kém hiệu quả" - ông Mười nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết sở dĩ các lò mổ công nghiệp chưa thể đưa vào hoạt động là do vướng thủ tục về giấy phép xây dựng. Còn thiết bị giết mổ mà chủ đầu tư nhập khẩu về mọi thứ đều ổn. Vấn đề giải quyết khó khăn trong thủ tục xây dựng nhà máy để sớm đưa vào hoạt động thì hằng tuần sở cùng các ban ngành đều tổ chức họp bàn để tháo gỡ. Theo ông Trung, không chỉ cơ quan chức năng rốt ráo trong việc này mà ngay cả các chủ đầu tư cũng phải thật sự nỗ lực để thúc đẩy công việc tiến triển nhanh chóng để cùng TP thực hiện chủ trương đã đề ra.
Có thể phải tiếp tục giết mổ ở các tỉnh
Theo ông Nguyễn Phước Trung, các ban - ngành đang cố gắng nỗ lực để nhanh chóng đưa các nhà máy giết mổ công nghiệp đủ tiêu chuẩn vào hoạt động. Thời gian sắp tới, nếu chưa thể giải quyết được vướng mắc thì phải tiếp tục xin ý kiến TP để tháo gỡ.
Ông Trung cho biết thêm hiện nguồn thịt heo tiêu thụ ở TP đang được bố trí giết mổ tại các cơ sở giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các tỉnh. Sắp tới, nếu TP vẫn chưa đưa vào hoạt động các cơ sở giết mổ đủ tiêu chuẩn thì hoạt động giết mổ vẫn phải thực hiện tại các tỉnh. NG.HẢI
Bình luận (0)