Tối 3-3, Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 9 năm 2023 đã chính thức diễn ra. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc với thông điệp về một TP HCM - nơi hội tụ và giao thoa văn hóa, một điểm đến an toàn - sống động - thân thiện và tràn đầy hứng khởi.
Lễ khai mạc với chủ đề "Tôi yêu Áo dài Việt Nam" đã diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM khi người dân, du khách trong nước và quốc tế cùng chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và mãn nhãn với từng tiết mục của 21 bộ sưu tập từ các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia biểu diễn của hàng trăm diễn viên và người mẫu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TP HCM đã trở thành sự kiện du lịch văn hóa thường niên, đặc trưng của thành phố, giới thiệu đến bạn bè quốc tế và du khách. Nơi đây, du khách có thể tìm thấy những trải nghiệm độc đáo và những cung bậc cảm xúc đáng nhớ thông qua các sự kiện đa dạng, tương tác trực tiếp với du khách.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Áo dài tối 3-3
Cùng với lễ khai mạc, ban tổ chức chính thức đưa vào giới thiệu 2 không gian trải nghiệm dành cho du khách.
Không gian triển lãm tôn vinh Áo dài: diễn ra từ ngày 3-3 đến 5-3 tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ với các tiểu cảnh chụp ảnh kết hợp khu triển lãm hình ảnh Cuộc thi "Áo dài với gia đình" và Lễ hội Áo dài qua các năm... Tại không gian này cũng đồng thời biểu diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam mà UNESCO đã vinh danh như Quan họ, Ví - giặm, Đờn ca tài tử… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của áo dài và di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại Việt Nam.
Lễ hội Áo dài TP HCM đã trở thành sự kiện du lịch văn hóa thường niên, đặc trưng được sự hưởng ứng của người dân và du khách
Con đường nghệ thuật Áo dài diễn ra từ ngày 3-3 đến ngày 5-3 tại Công viên Lam Sơn và quảng trường trước Nhà hát thành phố với các khu vực tiểu cảnh chụp hình, triển lãm ảnh áo dài xưa; gian hàng trưng bày, đo may áo dài, kết hợp các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn áo dài và các hoạt động tương tác thú vị… tạo nên không gian vui chơi, giải trí hấp dẫn cho du khách.
Nhiều chương trình nghệ thuật về áo dài cũng diễn ra, như phần trình diễn các thiết kế sáng tạo, mang tính nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam, lễ diễu hành trang phục áo dài với sự tham dự của khoảng 3.000 người từ các độ tuổi, giới tính khác nhau hoặc chung kết Cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP HCM…
Các đại sứ của Lễ hội Áo dài năm nay
Trình diễn Áo dài trong lễ khai mạc
"Đặc biệt lần đầu tiên, lễ hội ra mắt ứng dụng công nghệ tương tác trực tuyến thế giới ảo Metaverse để quảng bá áo dài. Thông qua ứng dụng trực tuyến, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tham gia với hình ảnh các nhân vật mặc áo dài đi qua các điểm du lịch đặc sắc trên địa bàn" – đại diện Sở Du lịch TP HCM thông tin.
Bình luận (0)