Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành… liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với cơ quan thuế. Cục Thuế TP HCM và Hà Nội cũng đã gửi hàng chục ngàn thư mời, tin nhắn đến các hộ kinh doanh trên mạng để tiến hành kê khai thuế. Song, rất khó để thực hiện việc quản lý hoạt động này, nhất là khi kinh doanh trên mạng thiên hình vạn trạng, nhiều hình thức tinh vi.
Giao dịch tiền mặt: Khó tính thuế
Chị L.T.N.Y (ngụ TP Hà Nội; một chủ tài khoản chuyên bán bánh ngọt, bánh trung thu, đồ ăn các loại và dạy làm bánh… thông qua mạng xã hội Facebook) cho biết trung bình thu nhập của chị khoảng 50 triệu đồng/tháng. Riêng mùa trung thu, việc dạy làm bánh và bán bánh trung thu handmade có thể mang lại cho chị 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Y. chưa thấy cơ quan thuế nhắc nhở hay yêu cầu phải đăng ký và nộp thuế đối với khoản thu nhập này. "Có thể do số lượng bán hàng không lớn và chủ yếu giao hàng thu tiền mặt nên cơ quan thuế không nắm được, còn các giao dịch chuyển khoản đến tôi phần lớn ghi nội dung nộp tiền học làm bánh" - chị Y. nói.
Đến thời điểm này, cơ quan thuế vẫn chưa có cơ sở để ghi nhận thông tin về doanh số của hoạt động bán hàng qua mạng xã hội Ảnh: Hoàng Triều
Trong khi đó, theo chủ một fanpage khác chuyên bán quần áo trẻ em, ngay từ giữa năm 2017, chị đã nhận được tin nhắn từ Cục Thuế TP Hà Nội yêu cầu đăng ký, kê khai thuế qua mạng. Dù đã hoàn tất việc kê khai theo đúng yêu cầu nhưng chủ tài khoản này cho rằng có sự thiếu công bằng khi nhiều cá nhân khác cũng có hoạt động kinh doanh online như chị lại không bị cục thuế "sờ gáy".
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng người mua hàng có thể đặt hàng qua Facebook hoặc điện thoại và sau đó giao dịch bằng tiền mặt khi hàng được giao đến tận tay. Chưa kể, nhiều trường hợp còn không xác nhận được giao dịch thành công hay không vì có rủi ro như đơn hàng bị hủy, khách không nhận hàng...
Thậm chí, theo tìm hiểu, nhiều chủ tài khoản bán hàng còn không công khai giá khi đăng hàng hóa mà khuyến khích khách hàng "inbox" (nhắn vào hộp thư) hoặc để lại lời nhắn để nhân viên gọi điện tư vấn. Do đó, không thể xác định được giao dịch, doanh thu dù cho có nắm lượng follow (theo dõi), like (thích)... của tài khoản cá nhân hay fanpage trên Facebook. Ngoài ra, nhiều trang bán hàng online không có cửa hàng, không có thông tin thật sự đầy đủ nên nếu họ có chủ động khai doanh thu thấp thì cơ quan chức năng cũng không dễ quản lý được.
Phải tuyên truyền nghĩa vụ nộp thuế
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, cho hay căn cứ để cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động bán hàng online hiện nay là dựa vào lượng người follow, like, comment (bình luận) và đặt hàng... lớn của khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây đều là các căn cứ định tính, không chính xác.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện không có công cụ để kiểm soát, thống kê được lượng bán hàng cũng như ghi nhận được doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. "Khi có công cụ quản lý được doanh thu thì mới nói đến chuyện kiểm soát việc đóng thuế của những đối tượng này. Sắp tới, phải nghiên cứu, rà soát lại cơ sở dữ liệu, công nghệ hiện đại để làm được việc này. Nếu không, dù cơ quan thuế có yêu cầu, đốc thúc, nhắn tin tới các cá nhân thì hiệu quả cũng không cao" - bà Lại Việt Anh nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định bán hàng qua mạng là nguồn thu nhập tất yếu phải chịu thuế. Trong tình huống còn thiếu các chế tài, biện pháp quản lý, việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền về nghĩa vụ đóng thuế của người dân trên mọi hình thức. Tiếp đến, thực hiện mạnh mẽ việc kê khai thuế bắt buộc với mọi công dân để từ đó có cơ sở dễ dàng kiểm soát thu nhập.
Ngoài ra, cần có quy định pháp luật cụ thể về việc phối hợp giữa cơ quan thuế với Ngân hàng Nhà nước và các bộ như Công Thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông… để tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng một cách hiệu quả. Nếu không, đơn vị viễn thông, nhà mạng… không cung cấp thông tin liên quan đến các cá nhân, hộ kinh doanh bởi sẽ dẫn đến can thiệp trái phép vào giao dịch dân sự, không phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận được quy định tại Bộ Luật Dân sự.
Bà Lại Việt Anh cho biết hiện nay, chỉ duy nhất kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo… là có thể ghi nhận được doanh số thông qua đơn hàng đã giao dịch thành công.
Nhưng trên thực tế, bán hàng trên sàn giao dịch không phải là lựa chọn hàng đầu của người kinh doanh online. Hoặc họ coi đó là hình thức song song bên cạnh bán hàng trên Facebook. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý, mục tiêu phát triển thương mại điện tử sẽ không đi đúng hướng khi không khai thác được hết ưu thế của sàn giao dịch và gây ra thất thu thuế cho nhà nước.
Khuyến khích tham gia sàn giao dịch
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ quan quản lý cần nghiên cứu có những chính sách khuyến khích người bán hàng qua mạng tham gia sàn giao dịch điện tử hoặc tập trung vào một "hệ sinh thái" cụ thể để có thể bảo đảm việc thu thuế công bằng, tránh thất thu thuế. Mặt khác, đề xuất các mạng xã hội hỗ trợ cung cấp thông tin về người kinh doanh trên cơ sở nền tảng này nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý.
Bình luận (0)