Phát biểu tại hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" do Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội tổ chức ngày 15-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "đặt hàng" giới chuyên gia kinh tế tìm cho được các giải pháp để thực hiện phương thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Người dân có lợi, tăng trưởng mới ý nghĩa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tái cơ cấu nền kinh tế trước đây xác định 3 trụ cột là đầu tư - trọng tâm là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước - trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay bổ sung 2 trọng tâm cần tái cơ cấu, gồm khu vực sự nghiệp công và thu chi ngân sách.
Trăn trở về chất lượng tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng khẳng định muốn phát triển nhanh và bền vững, không còn cách nào khác là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang dựa vào năng suất lao động, sáng tạo.
Tuy nhiên, vấn đề này đã nói nhiều nhưng chưa thay đổi. Ngay cả bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng cũng chưa được nghiên cứu, xây dựng và công bố, dẫn đến tình trạng nhiều chuyên gia kinh tế không tin tưởng vào số liệu thống kê của quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng để phát triển, cần kết nối giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế trong nước Ảnh: Hoàng Bắc
"Cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng. Khi không có một nội hàm thống nhất, mỗi bên sẽ có thông tin đánh giá khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông lưu ý về chiến lược tăng trưởng, quan điểm của Chính phủ là phải toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được hưởng lợi thì không có ý nghĩa.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ kết nối giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kinh tế trong nước, không để tình trạng có 2 nền kinh tế trong một đất nước. "Nhiều người yêu cầu chúng ta phải chọn lọc FDI theo định hướng phát triển của Việt Nam, theo tiêu chí phải là công nghệ cao, vào Việt Nam phải phát triển thành chuỗi giá trị và hỗ trợ khu vực trong nước... Thế nhưng, vấn đề đặt ra là kết nối như thế nào khi 2 khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều là vấn đề rất khó" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), cho rằng trong thực tế, các cơ quan nhà nước không làm tròn nhiệm vụ để có sự kết nối này. Làm việc với các doanh nghiệp FDI, VPSF được phản ánh 3 năm qua, có DN đã đến nhiều bộ ngành để tìm kiếm mô hình kết nối nhưng thất bại. Khi VPSF vào cuộc, tìm hướng đi mới và đến đặt vấn đề với từng hiệp hội, DN thì Hiệp hội DN vừa và nhỏ Bắc Ninh cam kết có cơ hội là sẵn sàng đầu tư. Các DN khởi nghiệp cũng đã thông qua VPSF chuẩn bị gần xong điều kiện để gắn kết với Samsung…
Doanh nghiệp 4 sinh, 3 tử vì chi phí cao
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng với nỗ lực và hành động cụ thể của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh liên tục 3 năm qua, đến nay, nền kinh tế bước đầu đã có chuyển động tích cực, cấu trúc tăng trưởng đã không còn dựa chủ yếu vào khai thác dầu thô, tính tận khai không còn như trước. Tuy chưa đủ mạnh để thay đổi được mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu nhưng đối với một nền kinh tế đang trì trệ thì khó nhất là bước chuyển động ban đầu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét những đánh giá, xếp hạng quốc tế 2 năm qua cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu liên quan đến khối DN nước ngoài. Còn các DN trong nước lại rất sốt ruột vì cải cách chưa thực sự chuyển biến, tạo đột phá. "Hàng loạt giấy phép con đang nhằm vào DN nội là chính. Các biểu hiện nhũng nhiễu của công quyền chủ yếu nhắm vào đối tượng DN nội, còn các DN ngoại họ không dám động vào" - bà Lan băn khoăn.
Bà Lan cho biết qua tiếp xúc DN mới thấy những nỗ lực của Chính phủ về cải cách là rất lớn nhưng lại rơi vào tình trạng trên "nóng", dưới "lạnh". Chính phủ rất nỗ lực cải cách trong khi các địa phương thì vẫn muốn neo giữ các cách thức quản lý như cũ, không muốn thay đổi hoặc chậm thay đổi. 2017 được coi là năm giảm chi phí cho DN nhưng đã có thống kê nào chỉ ra chi phí đã giảm được bao nhiêu? Trong khi đó, các chi phí đầu vào, chi phí vốn, thuế.... lại đang tăng hoặc dự kiến tăng. Như vậy, mục tiêu cơ bản, thước đo giảm chi phí cho DN là chưa làm được. Đây là lý do khiến cứ 4 DN ra đời lại có 3 DN phá sản, ngừng hoạt động vì chi phí cao.
"DN nói mối quan tâm của họ là không phải đi "chiến đấu" với bộ máy mà là tập trung "chiến đấu" với đối thủ cạnh tranh để tận dụng thời cơ mới. Họ mong đến lúc Chính phải tạo lập được môi trường ổn định để phát triển" - bà Lan cho biết.
Bình luận (0)