Hội thảo chuyên đề Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng chủ trì, được tổ chức sáng 18-11.
Bà Đặng Tuyến Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết khảo sát của Visa về thói quen và thái độ của người tiêu dùng trong thanh toán cho thấy tại Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt đã giảm đáng kể trong bối cảnh dịch Covid-19. Người tiêu dùng ngày càng ít mang tiền mặt trong ví và thanh toán qua thẻ và thanh toán không chạm bùng nổ.
Những người được khảo sát cho biết trước dịch Covid-19, cứ 10 giao dịch thì có 6,8 giao dịch là trả tiền mặt nhưng trong dịch, con số này giảm xuống chỉ còn 5,4 giao dịch. Số lượng giao dịch tiền mặt trung bình cũng giảm đáng kể từ trước dịch và 65% người nói rằng giảm tiền mặt trong ví để chuyển sang thanh toán thẻ, ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc…
Các ngân hàng liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo của tội phạm công nghệ trong dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt thông tin, tiền trong tài khoản của khách hàng. Ảnh: Lam Giang
Trong dịch Covid-19, nhiều người lần đầu tiên sử dụng ví điện tử, quét mã QR hoặc thanh toán trực tuyến khi mua hàng. Các lợi ích chính của thanh toán không dùng tiền mặt gồm giảm nguy cơ trộm cắp, ít rắc rối hơn và ngăn ngừa sự lây lan của dịch. Các dịch vụ có xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn chuyển sang không tiền mặt như thanh toán hóa đơn, mua hàng ở siêu thị và du lịch nước ngoài khi ngành du lịch được phục hồi.
"Người tiêu dùng có xu hướng thích thanh toán không tiền mặt, khi 78% người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kể cả khi đại dịch kết thúc. Các kênh được sử dụng nhiều nhất là ví điện tử và sử dụng thẻ không tiếp xúc. Đáng lưu ý, cả doanh nghiệp cũng thay đổi chiến lược kinh doanh với thói quen thanh toán không tiền mặt giúp hoạt động không bị gián đoạn trong giai đoạn giãn cách" – bà Đặng Tuyết Dung nói.
Dù vậy, trong xu hướng phát triển thanh toán không tiền mặt, vấn đề tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin ngân hàng được khách hàng quan tâm.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Hà, Giám đốc sản phẩm Công ty an ninh mạng Viettel, thông tin ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số nhưng cũng là mục tiêu ưa thích của tội phạm mạng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, dữ liệu của ngân hàng.
Thống kê của Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ của Viettel cho thấy ngân hàng luôn là một trong những mục tiêu hấp dẫn của tội phạm mạng. Hình thức phổ biến nhất là hacker gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng về tri ân, trúng thưởng... khi khách hàng nhấp vào sẽ mất thông tin, mã OTP và mất tiền trong tài khoản…
"Theo thống kê trong dịch Covid-19, lượng tấn công lừa đảo khách hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, kẻ gian tấn công vào tất cả ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Thủ đoạn gần đây là kẻ gian sử dụng thiết bị phát sóng giả mạo để gửi tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng, chi phí của thiết bị này rẻ nhưng rất khó phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để. Vì vậy, khi chuyển đổi số cho ngân hàng thì an toàn thông tin cũng phải được chuyển đổi" – ông Lê Quang Hà khuyến nghị.
Bình luận (0)