Ngày 6-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan về tình hình quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bán hàng và đầu tư đa cấp trên địa bàn. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng có những lỗ hổng quản lý khiến kinh doanh đa cấp biến tướng tràn lan.
Một công ty “lừa” gần 60 tỉ đồng
Thượng tá Nguyễn Minh Học, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Khánh Hòa), cho biết đã tiếp nhận 38 đơn tố cáo Công ty CP Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (Công ty PGB) - đăng ký kinh doanh ở Hà Nội, do ông Nguyễn Thế Anh (SN 1979, ngụ TP Đà Nẵng) làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc - về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chi nhánh tại Nha Trang của Công ty PGB được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cà phê.
Công ty PGB bị tố cáo lừa đảo khi ký kết hợp đồng theo hình thức hợp tác kinh doanh. Từ tháng 9-2015 đến nay, phía công an nắm được Công ty PGB đã ký khoảng 1.600 hợp đồng với giá trị gần 60 tỉ đồng. Đến tháng 1-2016, khi công ty ngừng chi trả lợi nhuận, đóng cửa nhiều điểm giao dịch, nhiều người đã góp vốn vào đây mới phát đơn khiếu nại.
Theo thượng tá Học, Công ty PGB huy động vốn theo 3 loại hợp đồng: 12,6 triệu, 36 triệu và 72 triệu đồng. Tùy thời điểm thanh lý hợp đồng, người góp vốn sẽ nhận được số tiền lãi khác nhau. Với hợp đồng 12,6 triệu đồng, sau 3 tháng, công ty trả gốc và lãi 35 triệu đồng; sau 7 tháng, trả 40 triệu đồng. Với hợp đồng 36 triệu đồng, sau 3 tháng, trả gốc và lãi 95 triệu đồng; sau 5 tháng, trả 99 triệu đồng; sau 7 tháng, trả 125 triệu đồng. Với hợp đồng 72 triệu đồng, sau 5 tháng, trả gốc và lãi 198 triệu đồng; sau 6 tháng, trả 159 triệu đồng.
Trước đây, Báo Người Lao Động đã phản ánh hoạt động mờ ám của Công ty PGB Chi nhánh Gia Lai, cũng do ông Nguyễn Thế Anh làm tổng giám đốc, kinh doanh “chui” ở TP Nha Trang.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ thêm về các chi nhánh của Công ty PGB ở Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thượng tá Học cho biết công ty này có nhiều chi nhánh nhưng PC46 chỉ nhận được đơn tố cáo chi nhánh ở Nha Trang. Ở các địa phương khác, Bộ Công an đang thu thập hồ sơ. “Các hợp đồng của Công ty PGB rất chặt chẽ về nội dung, phải có luật sư tư vấn mới biết đây là hình thức huy động vốn” - thượng tá Học nói.
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, sở mới tiếp nhận hồ sơ của Công ty PGB, ngoài ra còn có 30 hồ sơ của các doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp khác được cho phép hoạt động tại Khánh Hòa. Tuy vậy, trong 30 DN này, chỉ có 6 hồ sơ đăng ký có địa điểm, trụ sở bán hàng, nhiều DN không có đại diện hợp pháp nên không thể kiểm soát. Trong đó, có nhiều công ty tai tiếng như Thiên Ngọc Minh Uy (Báo Người Lao Động từng phản ánh).
Chưa kiểm tra đã thấy khó!
Ông Phạm Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa, cho biết chi cục có lập đoàn kiểm tra các công ty đa cấp nhưng chưa đi đã thấy khó.
“Công ty không có địa chỉ thì biết đâu mà kiểm tra? Hàng hóa bán như thế nào, nguồn gốc ra sao cũng không biết. Trong khi đó, theo Nghị định 185 sửa đổi, đa phần chỉ nói đến việc xử phạt người tham gia, lôi kéo bán hàng đa cấp nhưng không gian giao dịch có thể là quán cà phê, nhà riêng, thậm chí cùng đi thể dục thì làm sao kiểm tra? Quy định xử lý DN bán hàng đa cấp chưa rõ ràng nên không thể xử lý sai phạm. Nếu phát hiện sai phạm, chỉ có thể viết báo cáo. Do cơ quan cấp phép hoạt động đa cấp là Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương nên chỉ cơ quan này mới được rút giấy phép” - ông Hữu bức xúc.
Khi ông Hải thắc mắc giá cả có được niêm yết và bán đúng hay không, vị đại diện Sở Tài chính ấp úng không trả lời được. Ông Sơn hỏi tiếp: “Công ty PGB huy động vốn như vậy có phải là hình thức tín dụng không?”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa thừa nhận không nắm được sự việc nên chưa thể xác định.
Ông Hải truy tiếp: “Sau khi nhận hồ sơ của Công ty PGB, Sở Công Thương có làm gì với hồ sơ này không?”. Đại diện Sở Công Thương cho biết nhận hồ sơ qua đường bưu điện và chỉ tiếp nhận để biết. “Như vậy, hồ sơ của Công ty PGB chỉ mỗi Sở Công Thương biết. Nói là sở, chứ thật ra chỉ người tiếp nhận, phê duyệt là biết. Duyệt xong rồi cất hồ sơ vào tủ à? Chỉ có 6 DN đăng ký địa điểm, thế biết đâu mà lần khi có vi phạm, rồi đóng thuế ra sao?” - ông Hải gay gắt.
Kết thúc cuộc họp, ông Hải yêu cầu: “Trong tháng này, các ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra DN bán hàng đa cấp trên địa bàn. Sở Công Thương sau khi tiếp nhận phải gửi hồ sơ DN bán hàng đa cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế, UBND địa phương để kiểm soát. Sở Công Thương cần báo cáo chi tiết những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp cho các bộ liên quan để quản lý hoạt động đa cấp chặt chẽ hơn”.
Bộ Công Thương không từ chối trách nhiệm
Trả lời báo chí bên lề cuộc họp kín giữa Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) và Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chiều 6-4 về hoạt động kinh doanh đa cấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết bộ không từ chối trách nhiệm với vi phạm trong hoạt động này. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp của Việt Nam khá đầy đủ nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều phức tạp nảy sinh. Mặc dù vậy, không có cơ quan quản lý nào có thể giám sát tất cả hoạt động kinh doanh này bởi người bán hàng đi khắp nơi chào hàng, bán hàng trực tiếp, giao dịch có thể diễn ra trong nhà riêng nên khó kiểm soát. Để phát hiện vi phạm của các DN, cơ quan quản lý rất cần quần chúng cung cấp thông tin chính xác, kịp thời.
“Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là xây dựng khuôn khổ pháp luật và vận hành pháp luật. Nếu công tác vận hành đúng thì chắc chắn công tác xây dựng khuôn khổ pháp luật có vấn đề” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Gần đây, nổi lên nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến bán hàng đa cấp, như Công ty Liên Kết Việt bị Bộ Công Thương rút giấy phép, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam bị Sở Công Thương TP Hà Nội xử phạt 420 triệu đồng vì 9 lỗi vi phạm... Ph.Nhung
Bình luận (0)