Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thịt heo nhập từ các nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Nga… tiêu chuẩn chất lượng cao, về tới cảng Việt Nam khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg nên có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Giá bán lẻ cao
Thời gian gần đây, thịt heo nhập khẩu đã được bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ và kênh online. Tuy nhiên, so với giá nhập khẩu mà cơ quan chức năng công bố, giá bán lẻ trên thị trường đang cao hơn rất nhiều. Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh đang bán thịt heo ba rọi nhập khẩu từ Nga giá 150.000 đồng/kg, hệ thống cửa hàng thực phẩm Hiền Hà bán thịt ba rọi heo nhập từ Mỹ giá 158.000 đồng/kg. Một công ty thực phẩm bán thịt heo nhập khẩu trên kênh online với mức giá: thịt ba rọi từ 120.000 - 135.000 đồng/kg, sườn non 125.000 - 140.000 đồng/kg, cốt lết 105.000 - 115.000 đồng/kg, nạc dăm 110.000 - 120.000 đồng/kg, không bao gồm phí vận chuyển.
Thịt heo nhập khẩu được bày bán như hàng tươi, tuy giá rẻ nhưng không đạt về bảo quản
Chị Trần Thị Nhung (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đặt mua thịt heo nhập khẩu trên mạng, cho biết do chỉ mua số lượng nhỏ nên tính luôn phí vận chuyển thì không rẻ hơn thịt heo "nóng" bao nhiêu. Do mới dùng thịt nhập khẩu lần đầu nên chị cẩn thận rửa sạch, chần sơ qua nước muối rồi mới chế biến. Kết quả là cả nhà không ai nhận ra là đang ăn thịt đông lạnh nhập khẩu. "Vậy nên, nếu thịt heo ngoại rẻ và dễ mua thì sẽ có nhiều người mua hơn" - chị Nhung nói.
Mới đây, Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý vận hành chuỗi siêu thị Big C & GO!) đã triển khai "Tuần lễ thịt heo nhập khẩu" trên toàn hệ thống. Trước đó, chương trình này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng của khách hàng khi tổ chức lần đầu tại miền Bắc. Trong chương trình, từ ngày 24-4 đến 3-5, các siêu thị Big C ở TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam khuyến mãi giảm giá 10%-15% đối với 7 sản phẩm thịt heo nhập khẩu từ Brazil, Canada, Mỹ, Ba Lan, Đức. Big C cho biết đây là các sản phẩm thịt heo chủ lực, được khách hàng ưa chuộng và giá rẻ hơn 20%-40% so với thịt heo tươi trong nước. Đại diện truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết sau gần 1 tháng triển khai các chương trình, thị phần của thịt heo nhập khẩu từ vài % đã vọt lên gần 40% trong tổng sản lượng nhóm hàng thịt heo trên toàn hệ thống.
Cung chưa đủ cầu
Từ cuối năm 2019, khi giá thịt heo trong nước tăng phi mã, Bộ NN-PTNT đã khuyến khích tăng nhập khẩu thịt heo và xem đó như giải pháp góp phần bình ổn thị trường thịt heo. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 54.000 tấn thịt heo, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, lượng thịt nhập về chỉ đạt hơn 50% sản lượng 100.000 tấn mà Chính phủ yêu cầu.
Lý giải sự chênh lệch giữa sản lượng thịt nhập khẩu mong muốn và thực tế, các doanh nghiệp (DN) cho rằng quyết định nhập khẩu nhiều hay ít phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh còn cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ về chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Thanh Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (TP HCM), chuyên nhập khẩu thịt cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bị giảm đàn heo do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung thiếu hụt, DN phải cạnh tranh mới mua được. "Thịt heo pha lóc có nhiều loại. Thịt vụn, chân giò, xương, nội tạng thường giá rẻ; những loại người tiêu dùng ưa chuộng như thịt đùi, ba rọi, sườn non... luôn có giá cao hơn nên không thể lấy giá nhập khẩu bình quân là 60.000 đồng/kg để so sánh. Người tiêu dùng trong nước vẫn thích thịt nóng, muốn thay đổi cần có thời gian nên thị phần thịt heo đông lạnh còn thấp. Ngoài ra, do ảnh hưởng Covid-19 nên hàng tồn nhiều, thiếu kho lạnh để bảo quản thực phẩm, nhiều lô thịt đông lạnh nhập khẩu phải nằm ngoài cảng nên các DN phải hoãn nhập hàng mới, chờ tiêu thụ hàng tồn" - ông Khuê nêu thực trạng.
Từ quý III sẽ cải thiện nguồn cung heo hơi
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 2-2020, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung thiếu hụt dẫn đến giá heo hơi trong nước tăng cao. Ngoài ra, giá heo hơi của Trung Quốc tăng quá cao (120.000 đồng/kg), nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu heo thịt, heo giống và sản phẩm thịt heo qua biên giới. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết tuy các địa phương đang tích cực tái đàn, sản lượng thịt chưa bảo đảm cung cấp do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi từ giữa năm 2019, các trại không cho heo phối giống dẫn đến tình trạng thiếu hụt heo thịt thương phẩm trong hiện tại.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thống kê, đến quý III, IV năm nay, lượng thịt heo cung cấp ra thị trường sẽ trở lại dồi dào, bảo đảm cân đối được cung - cầu.
Bình luận (0)