Cuối tuần qua, Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE:MSN) đã tổ chức buổi điện đàm (conference call) với các nhà đầu tư nhằm thảo luận về các thương vụ sáp nhập VinCommerce.
Thông tin từ lãnh đạo Công ty CP Masan cho biết tính đến hết năm 2019 công ty VinCommerce (công ty vừa sáp nhập vào Masan) đang có 3.022 điểm bán lẻ mang thương hiệu VinMart và VinMart+, trong đó có 2.888 cửa hàng tiện lợi VinMart+, diện tích 80-100 m2/cửa hàng và 134 siêu thị VinMart có diện tích trung bình 1.500-5.000 m2/siêu thị. Mặc dù doanh thu toàn hệ thống năm 2019 đến 26.000 tỉ đồng, tăng 67% so với năm 2018 nhưng lợi nhuận công ty vẫn âm 2.100 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội chiếm 34% lượng cửa hàng Vinmart và 29% lượng cửa hàng Vinmart+.
Một siêu thị Vinmart ở TP HCM
Do đó, khi xây dựng kế hoạch năm 2020, công ty dự kiến sẽ mở mới từ 20-30 siêu thị VinMart và 300-500 cửa hàng VinMart+ ở những vị trí phù hợp, đồng thời sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Có nghĩa công ty này sẽ tập trung nâng cao hiệu quả của các cửa hàng hiện hữu, mở rộng có chọn lọc.
Với kế hoạch như trên, VinCommerce dự kiến đạt doanh thu hơn 42.000 tỉ đồng năm 2020, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020.
Ngoài ra, Masan cũng lựa chọn các địa điểm VinMart+ phù hợp để triển khai bán thịt mát Meat Deli do một công ty con của Masan sản xuất và kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng này cho VinMart+ lên 35% vào cuối năm 2020 so với 30% ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, Masan và Vingroup đã đạt được thỏa thuận hoán đổi 70% cổ phần của Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) - doanh nghiệp sở hữu cả công ty VinCommerce (quản lý chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+) và công ty VinEco vào Masan Consumer (công ty con của Masan).
Bình luận (0)