Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC) được làm ứng viên trong kế hoạch mở nhà máy sản xuất phụ kiện máy bay tại Việt Nam của Tập đoàn Airbus. Đây là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Khẳng định năng lực ở tầm quốc tế
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết ngay sau khi nhận được đề nghị của AESC, cục đã xem xét, thẩm định năng lực của doanh nghiệp (DN). Khi thấy đủ năng lực, Cục HKVN mới đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải. Kế hoạch mở nhà máy sản xuất phụ kiện máy bay tại Việt Nam của Tập đoàn Airbus đang được trao đổi ở cấp Chính phủ.
Điều kiện để AESC được chọn là đã được nhận 2 chứng chỉ bảo dưỡng máy bay của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) và Ủy ban An toàn Hàng không châu Âu (EASA). Việc nhận được 2 chứng chỉ này cho phép AESC bảo dưỡng máy bay đăng ký quốc tịch của Mỹ và châu Âu, khẳng định năng lực hệ thống của DN ở tầm quốc tế. Ngoài ra, AESC cũng được Cục HKVN công nhận là tổ chức bảo dưỡng theo bộ quy chế hàng không và đang thực hiện dịch vụ này với nhiều đối tác là các hãng hàng không trong và ngoài nước.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hoàng Anh Chiến, Chủ tịch HĐTV AESC, cho biết AESC hiện là DN Việt Nam duy nhất đồng thời được phê chuẩn của hai nhà chức trách hàng không uy tín nhất thế giới là FAA và EASA. Bên cạnh các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, AESC còn đẩy mạnh các hoạt động thiết kế, sản xuất thiết bị phục vụ mặt đất và một số phụ tùng, nội thất máy bay.
Thiết bị mặt đất bao gồm xe thang, băng tải hàng hóa… Thiết bị trên máy bay có bình ôxy, ghế và các thiết bị khoang bếp như lò nướng, máy pha cà phê… Riêng ghế máy bay, AESC đã sản xuất được gần 100 chi tiết, cung cấp cho 4 hãng hàng không trong nước và một số hãng hàng không nước ngoài, như Lao Airlines, Cambodia Angkor Air, Sky Angkor Air, Bassaka Air, Air Bagan, EGAT.
“Để sản xuất một chi tiết của ghế máy bay, chúng tôi có khi phải mất 4 năm nghiên cứu công nghệ, nguyên vật liệu do đây là sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật rất cao” - ông Chiến nói và cho biết trong kế hoạch tìm kiếm đối tác làm công nghiệp phụ trợ để lập trung tâm sản xuất tại Việt Nam, Airbus nhắm đến sản xuất bộ dây đai an toàn bằng điện lắp cho dòng máy bay A320. Đây là chi tiết AESC có khả năng đáp ứng cả về tiêu chuẩn kỹ thuật và số lượng đặt hàng.
Cần biết cách “cắm” vào chuỗi
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, nhận định cơ hội dành cho DN làm công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn rất lớn. Thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy sự hợp tác khá tốt giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN cung ứng sản phẩm trong nước.
Mới đây, Samsung đã cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang để trực tiếp hỗ trợ 4 doanh nghiệp là Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty Bao bì Việt Hưng, Công ty Công nghiệp Chiến Thắng, Công ty Sản xuất và Thương mại nhựa An Phú Việt hoàn thiện quy trình cung ứng sản phẩm, linh kiện cho hai tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa quyết định hỗ trợ DN nhỏ và vừa khoảng 3.000 tỉ đồng đến năm 2020. Các chính sách miễn, giảm thuế cũng có tác dụng hỗ trợ tích cực cho các DN tham gia công nghiệp phụ trợ. “Tôi muốn nhấn mạnh là những người làm công nghiệp phụ trợ cần tự tin, biết mình làm được những gì” - ông Nguyễn Mại chỉ ra.
Theo vị chuyên gia tâm huyết với ngành công nghiệp phụ trợ, DN phải có tiềm lực lớn về tài chính, đơn cử như tham gia chuỗi sản xuất cho Samsung thì cần ít nhất từ 5-10 triệu USD. Ngoài việc đáp ứng về công nghệ, giá cả, thời gian hoàn thành sản phẩm, còn có những yêu cầu khác như không bóc lột sức lao động, không trả lương công nhân thấp…
Cuối cùng, một trong những chính sách mà nhà nước cần hỗ trợ DN là tín dụng. Lãi suất vay hiện nay của Việt Nam vẫn gấp đôi mức 5% của Thái Lan. Do đó, cần hạ lãi suất xuống khoảng 6%-7%, DN mới có thể vay và cạnh tranh được.
Đại diện một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương cho rằng làm công nghiệp phụ trợ không nên tham vọng quá cao, có khi chỉ cần sản xuất được chi tiết nhỏ cũng đã thành công. Điều khó nhất mà chúng ta vấp phải không phải vấn đề kỹ thuật mà chưa tìm được đường gia nhập chuỗi cung ứng.
“Thông thường, các DN muốn tham gia chuỗi phải được chính nhà đầu tư chỉ định hoặc được cơ quan có uy tín giới thiệu và được xem xét tiếp nhận. DN cung ứng phải trải qua quá trình đàm phán, tìm hiểu rất kỹ của đối tác. Như vậy, mấu chốt là tìm cách để “cắm” được vào chuỗi. Chúng ta yếu kém trong việc tìm cách gia nhập chuỗi, chứ không hẳn do trình độ công nghệ thấp” - vị đại diện này đúc kết.
Cung ứng phụ kiện cho Samsung
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết SHTP đã cấp giấy phép cho 8 DN cung ứng sản phẩm phụ trợ với tổng vốn đầu tư trong năm 2015 là 300 triệu USD, trong đó có một DN Việt Nam là Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên.
Dự án xây dựng Khu Nghiên cứu - Ứng dụng và Sản xuất công nghệ cao Phước Thành do Công ty Minh Nguyên làm chủ đầu tư với vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng. Nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu cho Tập đoàn Samsung, dự án này có công suất tối thiểu 20 triệu sản phẩm/năm. Trong đó, tập trung sản xuất các mặt hàng nhựa, kim loại chất lượng và công nghệ cao như linh kiện điện tử, chế tạo khuôn mẫu, sản xuất công nghệ xi mạ chân không...
Khi đi vào hoạt động, dự án tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động là công nhân có tay nghề và hàng trăm kỹ sư chuyên ngành sản xuất công nghiệp nhựa chất lượng cao, cơ khí, nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, Công ty Minh Nguyên còn phối hợp với các trường ĐH, viện nghiên cứu trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo nghề, kỹ năng quản lý, vận hành... nhằm tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho các cán bộ quản lý từ cấp cơ sở.
Trong tháng 1-2016 đã có thêm 3 dự án mới đầu tư vào SHTP với tổng vốn 100 triệu USD. SHTP đã giới thiệu thêm một DN trong nước đang phát triển sản phẩm ăng-ten cho điện thoại để trở thành nhà cung cấp cấp 2 và phát triển sản phẩm dưới sự giám sát của bên thứ ba. Sau 3-5 năm, khi sản phẩm đủ tốt, DN này có thể cung ứng trực tiếp cho Samsung.
C.Trung
Bình luận (0)