GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (Vafie), cho biết mô hình thí điểm lần này hoàn toàn khác với ý tưởng làm công nghiệp phụ trợ chung chung như trước. Với sự tham gia của Tập đoàn Samsung, DN nội địa sẽ biết được nhu cầu cụ thể và khả năng cung cấp sản phẩm của mình để triển khai theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Chen chân vào mắt xích của Samsung
Tập đoàn Samsung hiện có rất nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhưng chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số lượng DN công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất ít, chủ yếu làm bao bì, giá trị không đáng kể. Cách đây không lâu, một cuộc họp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Cơ khí và Vafie bàn về một mô hình cụ thể phát triển công nghiệp phụ trợ cho Samsung được đặt ra. Kết quả, Samsung đồng ý hợp tác để xúc tiến.
Trước mắt, Vafie sẽ mời 100 DN cơ khí, điện tử trong nước tham gia, còn chọn bao nhiêu tùy thuộc sự đáp ứng giữa các DN với Samsung. “Sẽ có một hội thảo, phía Samsung cử 20 chuyên gia của tập đoàn cả trong và ngoài nước đến tham gia, nói rõ nhu cầu của mình, tiêu chí cụ thể và cách thức để DN Việt trở thành nhà cung ứng cho họ” - GS-TSKH Nguyễn Mại thông tin.
Nếu mô hình này kết nối thành công sẽ mở hướng ra cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, nhất là khi Samsung liên tục rót vốn vào Việt Nam. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Display (công ty con của Tập đoàn Samsung) với tổng vốn 1 tỉ USD. Khi đi vào hoạt động, quy mô sản xuất của công ty sẽ đạt 48 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động với doanh thu hằng năm khoảng 6 tỉ USD. Thông tin Samsung sẽ rót 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tại TP HCM cũng được lãnh đạo UBND TP đưa ra hồi đầu tháng 6...
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Samsung đạt hơn 23 tỉ USD nhưng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu trên 15 tỉ USD nên giá trị gia tăng đạt được chỉ khoảng hơn 7 tỉ USD. “Muốn nâng cao giá trị gia tăng, Samsung phải tăng tỉ lệ nội địa hóa bằng cách dùng nhà cung cấp là DN FDI tại Việt Nam hoặc DN nội địa. Với quy mô của Samsung, khối lượng nguyên phụ liệu rất lớn là cơ hội cho DN nội địa” - Chủ tịch Vafie nhận xét.
Phải biết cách làm
Một lãnh đạo của Samsung Electronics Việt Nam cho biết nếu nhà cung cấp trong nước đáp ứng được yêu cầu, Samsung sẵn sàng chọn DN nội để tiết kiệm chi phí nhưng vấn đề là không có DN nào đáp ứng được! “Một số DN làm phụ trợ có sản phẩm phù hợp lại đòi hỏi mẫu mã, chất lượng, giá cả và thường sản xuất số lượng nhỏ nên không đáp ứng được, thậm chí giá còn cao hơn hàng nhập” - vị này phân tích.
Không chỉ Samsung, nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư tại Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nội địa để giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh. Các nhà đầu tư như Canon, Toyota, Honda đều tăng tỉ lệ nội địa hóa khi vào Việt Nam. Với Honda, hơn 90% linh kiện được nội địa hóa, trong đó nhiều linh kiện do DN trong nước cung cấp như vỏ xe, lốp xe, xích, líp… Tập đoàn Intel cho biết năm 2013 có 90 nhà cung cấp là DN nội địa và nhà đầu tư này đang có nhu cầu tăng thêm nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Thực tế, DN nội địa có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài nhưng vì thiếu mô hình cụ thể, không biết cách làm. GS-TSKH Nguyễn Mại dẫn chứng từ ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, năm 2012, nước này sản xuất hơn 2,4 triệu chiếc ô tô, trong đó xuất khẩu 1,4 triệu xe. Tại Việt Nam, dự án sản xuất ô tô được cấp phép đầu tiên năm 1992, đến nay hơn 20 năm nhưng công suất chỉ 400.000 chiếc và sản lượng năm nay chỉ khoảng 120.000 chiếc. So với Thái Lan, sản lượng sản xuất ô tô của Việt Nam chỉ bằng 5% do họ có chính sách rõ ràng về công nghiệp phụ trợ.
Vafie cho biết sẽ làm theo mô hình của Thái Lan, phát triển các DN cấp 2 gồm khoảng 100 DN cơ khí, điện tử cung cấp nguyên phụ liệu cho Samsung để học hỏi dần về kỹ thuật, công nghệ. “Trở thành nhà cung cấp cho Samsung không đơn giản vì đây là công nghệ cao, điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng đặc biệt. Nhưng với sự hợp tác từ 2 phía, tôi kỳ vọng mô hình này sẽ thành công” - GS Nguyễn Mại nói.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đến lúc nhà nước phải vào cuộc bằng các chính sách cụ thể hỗ trợ về vốn, lãi suất thay vì nói chung chung như trước đây. Cần xây dựng quỹ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, có chính sách rõ quỹ sẽ đầu tư cho từng DN bao nhiêu, lãi suất và thu hồi vốn ra sao…
Bình luận (0)