Sau hơn 1 năm trễ hẹn, dự thảo Đề án khai thác viễn dương, còn gọi là Đề án “Tổ chức hợp tác khai tác hải sản ngoài vùng viển Việt Nam và vùng biển quốc tế”, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xây dựng và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 15 năm trở lại đây, trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy giai đoạn 2011-2015, trữ lượng nguồn lợi hải sản là 4,36 triệu tấn, giảm 710.000 tấn so với giai đoạn 2001-2005.
Đề án ra đời nhằm giải quyết việc làm cho ngư dân, giảm áp lực khai thác ven bờ, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; số tàu vỏ sắt, vỏ vật liệu mới tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại cả về số lượng, chất lượng (đến năm 2016 là 109.762 chiếc). Ngoài ra, những năm gần đây, vì lợi ích kinh tế nên nhiều chủ tàu, ngư dân vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép có xu hướng tăng. “Tình trạng này làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam cũng như tình hình xuất khẩu thủy sản có nguy cơ bị cảnh báo về vi phạm đánh bắt bất hợp pháp” - tờ trình nêu.
Bên cạnh những phát sinh nêu trên, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế, cơ hội để tổ chức hợp tác khai thác ở ngoài vùng biển nước ta và vùng biển quốc tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010-2016, khoảng 35.000-40.000 lao động Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản để làm nghề khai thác hải sản. Trung bình mỗi năm, khoảng 5.000 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu trong lĩnh vực này, riêng năm 2016 là hơn 6.000 người.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, chủ tàu có nhu cầu đưa tàu và ngư dân đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế nhưng chưa có cơ chế, chính sách, thỏa thuận, hiệp định hợp tác về khai thác hải sản với các nước có nguồn lợi thủy sản dồi dào như Brunei, Papua New Guinea… để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Việt Nam có gần 1.000 nhà máy chế biến thủy sản, với gần 600 cơ sở chế biến xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường 40 nước trên thế giới. Do đó, cần phải tổ chức hợp tác khai thác hải sản ngoài vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế - không những để chủ động nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu mà còn phục vụ gần 3.900 cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đối tượng tham gia đề án là doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác hải sản. Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tổ chức hợp tác để đưa tàu cá của 9 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đi khai thác hải sản ở vùng biển Brunei, Papua New Guinea; sau đó sẽ triển khai trên phạm vi cả nước.
Doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia đề án sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị nâng cấp, đóng mới đội tàu, với lãi suất 7%/năm, trong đó đối tượng vay trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó 5 năm đầu tiên, đối tượng vay được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia đề án được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
Theo Bộ NN-PTNT, để triển khai đề án, tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn 2017-2030 là 26.200 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017-2018 phải thiết lập hệ thống thông tin, giám sát và chỉ dẫn cho đội tàu khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị. Giai đoạn 2017-2020, triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản với 150-200 chiếc, kinh phí 100 tỉ đồng. Giai đoạn 2020-2025, đầu tư đóng mới, phát triển khoảng 100-150 tàu khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, kinh phí khoảng 20.000 tỉ đồng…
Bình luận (0)