Ngày 10-9, nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam (10-9-1945 - 10-9-2021), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn đã có những chia sẻ về việc xây dựng mô hình hải quan thông minh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết mô hình hải quan thông minh hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả
Lực lượng hải quan hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030.
"Mô hình hải quan thông minh được xây dựng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử" - ông Cẩn cho hay.
Người đứng đầu Tổng cục Hải quan cho biết thêm, hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, mô hình này thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, mô hình hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.
Đối với quản lý biên giới thông minh, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết hướng đi này phù hợp với mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu. Áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất.
Thống nhất vai trò chủ trì, điều phối các hoạt động liên quan đến quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (XNC) tại khu vực cửa khẩu biên giới của cơ quan Hải quan…
Về quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, triển khai quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa sử dụng đúng mục đích đã kê khai với cơ quan hải quan...
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ tối ưu, thông qua thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý, cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính…
Lãnh đạo ngành hải quan cũng nhấn mạnh đến yếu tố kết nối và xử lý thông minh là ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây (ICloud), Di động (Mobility)… để hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động…
Một nét đặc trưng nổi bật cuối cùng của mô hình hải quan thông minh theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Cẩn là minh bạch, công bằng, nhất quán, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của WCO.
"Quản lý đối với các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải phải thống nhất, tập trung, tinh giản tối thiểu quy trình xử lý, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia phản biện chính sách pháp luật, hợp tác với cơ quan hải quan trong thực thi và giám sát thực thi pháp luật..."- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Chính phủ đang giao Hải quan là cơ quan đầu mối trong thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do tổ chức USAID của Mỹ tài trợ), mô hình mới về kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm về cắt giảm tờ thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tỉ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra).
Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỉ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD Mỹ). Ước tính số tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.
Bình luận (0)