Nói quá đắt cũng rất đúng vì gà ta loại 1 cũng không thể có giá đó. Đắt hay rẻ chỉ tương đối vì tùy thuộc vào chất lượng nguyên liệu và dịch vụ.
Nếu nguyên liệu kỳ công, sạch từ gà, rau đến chất đốt và không gian thì giá đắt là đương nhiên. Giá còn tùy địa điểm, thương hiệu (có khi vì sĩ diện) và chất lượng phục vụ. Chủ nhân tự định giá dịch vụ và tiền công nên vô chừng. Tuy nhiên, qua báo chí, việc chủ quán không niêm yết giá, chỉ ghi chung chung gà 250.000 đồng/con (mấy kg?), quán ăn xập xệ, không có hóa đơn… thì đích thị là “chặt chém”. Người mua cũng có lỗi, khi chọn quán ăn, ăn tô đặc biệt mà không hỏi giá, dù là dân Hà Nội. Nhiều khi hỏi giá còn bị gài, kiểu hỏi giá bánh đa cua, chủ quán bảo giá bánh đa (bỏ mất chữ cua). Đến khi tính tiền lấy gấp 3-4 lần mới hoa mắt!
Tôi cho rằng hành vi đó là tệ nạn, là thói tham lam của người bán. Tệ nạn này rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, lan dần vào phía Nam, không được phòng chống và chữa trị nên ngày càng di căn nguy hiểm. Từ ăn uống, khách sạn đến hàng lưu niệm, vận chuyển… đều có.
Hậu quả là khách du lịch ngán ngẩm. Họ sẽ chọn những điểm đến thân thiện hơn. Nếu phải đến thì cứ ăn và sử dụng dịch vụ trong khách sạn hoặc các nhà hàng cao cấp cho yên tâm dù ẩm thực đường phố rất phong phú và ngon miệng. Tệ nạn “chặt chém” là tấm gương phản ánh thực trạng xã hội của địa phương, trong đó vai trò lãnh đạo là quyết định. Đáng buồn là chưa có thủ phạm “chặt chém” nào bị rút giấy phép, cấm kinh doanh vĩnh viễn vì tái phạm. Cũng chưa có cấp quản lý nào bị kỷ luật nên tệ nạn cứ sinh sôi, trêu ngươi và thách thức dư luận. Đó là hệ quả của kiểu dinh doanh làm giàu chớp nhoáng, đi tắt đón đầu, làm giàu bằng mọi giá.
Cả người mua, người bán và cấp quản lý đều phải nhìn lại mình để điều chỉnh. Xử lý thật nghiêm khắc chỉ là biện pháp tức thời, bẻ ngọn, không để lây lan. Căn cơ hơn là phải ổn định trật tự xã hội, giáo dục đạo đức kinh doanh từ trong nhà trường và gia đình.
Tôi lại nhớ quán hủ tiếu bình dân, dù nhà mặt tiền của bà Sẩm ở Sa Đéc. Giá chỉ 6.000 đồng/tô, tô đặc biệt 10.000 đồng mà rất chất lượng. Triết lý kinh doanh của quán là “Lấy công làm lời”, “Phục vụ người lao động”, “Lời vừa đủ sống” (đạm bạc với chung quanh) nên gần nửa thế kỷ qua vẫn nghĩa tình và đắt khách. Cả người bán lẫn người mua luôn niềm nở, lịch sự, thân thiện dù khách quen hay lạ...
Bình luận (0)