Ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tròn 1 năm đi vào thực thi. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu tăng 18,3%.
Trước đó, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông - lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Ví dụ, sản phẩm từ cao su tăng 56,91%; gạo tăng 3,73%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 33,75%; rau quả tăng 12,5%... Ngoài ra, các sản phẩm thế mạnh khác như giày dép, dệt may… cũng giữ được phong độ và tận dụng tốt hiệp định này.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, đánh giá những con số tăng trưởng thương mại - đầu tư song phương sau 1 năm thực thi EVFTA là rất ấn tượng, bất chấp nhiều trở ngại do dịch Covid-19 gây ra. Chẳng hạn, xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt tỉ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 là 29,09% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn về đầu tư, tính đến tháng 6-2021, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn vốn có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học - công nghệ tiên tiến từ 2.221 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,2 tỉ USD.
Nông sản là lĩnh vực hưởng lợi lớn trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cách đây 1 năm, khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực, VCCI đã tiến hành điều tra doanh nghiệp (DN) và ghi nhận 63% DN được hỏi đánh giá hiệp định này đem lại kết quả tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ. Đây là mức đánh giá cao hơn tất cả các hiệp định khác, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường EU và niềm tin rất lớn của DN.
"Với kỳ vọng đó, sau 1 năm thực thi, mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan của DN đạt 14,83%, tuy không cao so với các hiệp định đang thực thi nhưng nếu xét riêng trong năm đầu thực thi thì tỉ lệ tận dụng ở EVFTA cao gấp 1,5-2 lần so với hiệp định khác" - bà Trang nhận xét.
Đánh giá riêng về lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Bộ Công Thương và VCCI đều thừa nhận ngành này được hưởng lợi lớn từ việc EU ngay lập tức xóa bỏ 100% thuế đối với trái cây tươi, trái cây chế biến, nước trái cây...
"Khi đàm phán EVFTA, ưu tiên lớn nhất của Việt Nam là những mặt hàng nông sản nhiệt đới chưa được EU nhập khẩu. Bước đầu, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu thành công sang EU. Nhưng về lâu dài, cần quan tâm và thực hiện đúng những yêu cầu mà thị trường này đòi hỏi, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý - một trong những điều kiện mà nhiều loại nông sản của chúng ta còn thiếu" - ông Lương Hoàng Thái lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng đánh giá nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng tương đối tốt hiệu quả từ EVFTA trong thời gian đầu. Quả vải của Việt Nam không phải chưa từng sang EU nhưng sau khi có EVFTA thì xuất khẩu tăng đáng kể, trở thành một câu chuyện điển hình, cho thấy EVFTA mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể về giá cho nông sản.
"Nông sản Việt có lợi thế rõ ràng trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh vào EU đều chưa có hiệp định thương mại với khối này. Chẳng hạn, trong tốp 3 nước sản xuất, xuất khẩu vải hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam thì chỉ Việt Nam có hiệp định thương mại với EU" - bà Trang nhận xét.
Kỳ vọng từ cải cách thể chế
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng để tận dụng EVFTA tốt hơn, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước. "Thực tế, những cam kết cải cách thể chế của Việt Nam trong EVFTA không quá nhiều bởi chúng ta đã làm được khi đàm phán các hiệp định khác. Song, DN mong muốn cải cách nhiều hơn cả những cam kết đó để hoàn thiện thể chế sao cho phù hợp bối cảnh, nhu cầu thực tế nhằm tận dụng được ưu đãi tốt nhất" - bà Trang nói.
Bình luận (0)