Ngày 26-5, tại TP Cần Thơ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo "Tích tụ, tập trung đất đai vùng ĐBSCL trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa". Việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất được các đại biểu nhận định là yếu tố then chốt để tạo cú hích cho phát triển nông nghiệp.
Nông hộ nhỏ lẻ khó thoát nghèo
Tại hội thảo, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, cho rằng khó khăn để thực hiện chủ trương lớn về tích tụ ruộng đất là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô hộ gia đình, với đặc trưng là đất hẹp, người đông. Dẫn thực tiễn của Tiền Giang, ông Minh cho biết bình quân diện tích đất nông nghiệp/hộ trong tỉnh là 0,57 ha (bình quân toàn vùng ĐBSCL là 1,41 ha/hộ), sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. "Điều này đã cản trở việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ về quy trình sản xuất, chủng loại sản phẩm" - ông Minh nhìn nhận.
Trong tham luận đưa ra tại hội thảo, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) khẳng định nông dân muốn giàu từ cây lúa phải có trên 3 ha diện tích đất.
Theo nhận định của đại diện GIZ, ĐBSCL là nơi có điều kiện ưu đãi nhất về sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2 ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo; hộ có ít nhất 3 ha mới đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình ở nông thôn. Do đó, nông hộ nhỏ lẻ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu, họ phải có trên 3 ha.
Sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCLẢnh: Ngọc Trinh
Cũng theo đại diện GIZ, mô hình cánh đồng lớn, liên kết giữa 4 nhà là một trong những hình thức tập trung diện tích đất để sản xuất lúa quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ và có chất lượng đồng nhất phục vụ xuất khẩu. Nhưng tính đến cuối năm 2015, số doanh nghiệp (DN) tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng.
Số liệu của GIZ cũng khá phù hợp với báo cáo của Bộ NN-PTNT là số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng chỉ vỏn vẹn 3.640 DN vào năm 2015, chưa tới 1% tổng số DN cả nước. Đáng chú ý trong số này có 85% là DN dân doanh, DN nhà nước gần như vắng bóng.
Doanh nghiệp phải làm đầu tàu
Liên quan đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo trong thời gian tới, cần thúc đẩy chủ trương lớn này, tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai.
Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ - ngành - địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế và tình hình thực tế của địa phương; trong đó, cần chú ý vai trò chủ lực của DN để tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp.
UBND các tỉnh, thành đồng thời tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trên cơ sở đó, hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với DN tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Bình luận (0)