Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành công văn về việc hướng dẫn mục tiêu trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021.
Theo đó, trong năm 2021, về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), KTNN sẽ đánh giá công tác công khai, quản lý người nộp thuế, tính bền vững của các nguồn thu. Đánh giá công tác quản lý thu thuế, thu phí, lệ phí theo quy định; đánh giá công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế và xử lý, thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan thuế, hải quan.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng sẽ đánh giá việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Năm 2021 sẽ kiểm toán việc mua sắm, sử dụng xe công - Ảnh: Minh Chiến
Về chi thường xuyên, KTNN cho biết sẽ đánh giá việc lập, phân bổ, giao dự toán và quản lý, sử dụng đối với kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp y tế, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khoa học công nghệ. Đồng thời, đánh giá việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với tiến độ và lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập...
Cơ quan kiểm toán cũng sẽ tiến hành kiểm toán việc tuân thủ pháp luật trong mua sắm tài sản công. Bên cạnh đó, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất các khu kinh tế, khu công nghiệp; tình trạng dự án treo, sử dụng không đúng mục đích tại các địa phương; công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Cũng theo kế hoạch của KTNN, trong năm 2021 sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện và quản lý thu đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; sử dụng đất đai của các đơn vị sự nghiệp; quản lý mua sắm, sử dụng xe ôtô công; tài sản chuyển giao về địa phương.
Trong lĩnh vực Doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ tập trung đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước; việc thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó là tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đồng thời, xem xét công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động đầu tư; việc sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.
Bình luận (0)