Theo ông Vũ Oanh, Trưởng Phòng Marketing Công ty Công nghệ xanh Hưng Phát - đơn vị nhập khẩu và phân phối nấm ăn Biovegi- 2 thị trường mà công ty này nhập khẩu là Nhật Bản và Hàn Quốc với bí quyết công nghệ, thu hoạch nấm, điều kiện bảo quản bảo đảm nên hạn sử dụng dài hơn nấm trong nước, chất lượng cũng nổi trội hơn. “Hạn sử dụng nấm có nguồn gốc Hàn Quốc lên tới 45 ngày kể từ ngày sản xuất, nấm từ Nhật Bản là 50 ngày trong khi nấm trong nước chỉ có 7 ngày trở xuống” - ông Oanh nói.
Các sản phẩm nấm nhập khẩu từ nước ngoài chủ yếu là nấm kim châm trắng, kim châm vàng, nấm đùi gà, nấm Maitake, Bunapi và Bunashimeji (còn gọi là thủy tiên trắng và thủy tiên nâu)… Về sản phẩm nấm trong nước, ông Oanh nói chủ yếu thu gom từ các vùng lân cận Hà Nội với các loại như nấm hương, nấm yến, nấm sò…
“Chúng tôi đã từng đi khảo sát các vùng trồng nấm phía Nam nhưng chủ yếu họ sản xuất các loại mà miền Bắc cũng có trồng như nấm bào ngư, nấm mèo, nấm rơm…, không có loại lạ hơn. Đáng nói nữa là các hộ sản xuất rất manh mún, không đáp ứng đủ nhu cầu số lượng của công ty, chất lượng cũng không đồng đều, không có người chuyên thu gom trong khi công ty không thể đến từng cơ sở nhỏ lẻ để thu gom được. Nếu nấm khu vực phía Nam bảo đảm chất lượng tốt, số lượng lớn thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác nhưng thực sự rất khó tìm đối tác trong điều kiện sản xuất hiện nay” - ông Oanh chia sẻ.
Đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội nhận định thị trường tiêu thụ nấm nội địa hiện có triển vọng lớn nhưng lại bị nấm ngoại thao túng. “Trong siêu thị chủ yếu nhập nấm từ các nước châu Á lân cận với chất lượng cao, còn nấm ngoài thị trường thì sản phẩm Trung Quốc xâm nhập cả chục năm nay do thuận tiện về đường biên mậu, đi từ cửa khẩu Lào Cai về đến Hà Nội chỉ mất 1 ngày, trong khi hạn dùng có thể tới 30 ngày” - đại diện siêu thị giải thích.
Bình luận (0)