TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết các DN xuất khẩu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức kim ngạch vượt mốc 200 tỉ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, DN xuất khẩu, nhất là các DN nhỏ và vừa, hiện vẫn còn thiếu thông tin về chính sách, thị trường xuất khẩu, đối thủ cạnh tranh, khách hàng nhập khẩu tiềm năng…
Đặc biệt, xu hướng các nước tăng cường bảo hộ thương mại và nguy cơ căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đòi hỏi các DN xuất khẩu Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn.
Các doanh nghiệp giày da cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ - nhìn nhận mấu chốt không chỉ ứng phó mà Việt Nam phải tìm cách thay đổi căn bản cấu trúc thị trường. Mỹ và Trung Quốc đang là 2 thị trường xuất nhập khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam nhưng không phải duy nhất. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu sắp được ký kết hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký sẽ giúp DN Việt có thêm cơ hội tìm kiếm nhiều đối tác, nhà nhập khẩu…
"Cơ hội rất nhiều nhưng quan trọng là DN trong nước có tận dụng được không? Mấu chốt hiện nay là năng lực cạnh tranh của DN Việt và cải cách bên trong của Chính phủ. Không chỉ là ứng phó tạm thời mà cần giữ mục tiêu lâu nay là cải cách cơ cấu nền kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của DN trước mọi cú sốc bên trong và bên ngoài" - ông Trần Đình Thiên nói.
Dự báo trong năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch khoảng 240-242 tỉ USD, tăng khoảng 13% so với năm ngoái. Để đạt mục tiêu này, theo các DN, cơ quan quản lý cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bình luận (0)