Số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tính đến cuối tháng 6-2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 9,35% (cùng kỳ đạt 6,47%). Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 6, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 87.000 tỉ đồng, phản ánh nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao. Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân… vẫn rất cần vốn trong giai đoạn kinh tế khởi sắc.
"Bắt tay" tiếp sức nhà bán hàng
Tính riêng phân khúc hộ kinh doanh, tiểu thương, cả nước hiện có hơn 5 triệu nhà bán hàng nhỏ lẻ đang hoạt động. Một trong những khó khăn của đại đa số tiểu thương, hộ kinh doanh là tình trạng bị đọng vốn lưu động, chi phí tăng nhanh do giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng nhưng tiền bán hàng chưa về kịp khiến họ không kịp trở tay. Lúc này, việc tham gia các nền tảng thương mại điện tử B2B (giữa nhà kinh doanh với nhau) sẽ giúp chủ động hơn trong tiếp cận nguồn vốn.
Như Bonbon shop, một ứng dụng đã kết nối hơn 24 nhà sản xuất (các ngành dược phẩm, nông hóa phẩm, mỹ phẩm…) đến nhà bán hàng với khoảng 35.000 điểm bán lẻ trên cả nước, vừa có thêm dịch vụ cung cấp khoản vay tối đa hơn 200 triệu đồng khi tiểu thương sử dụng nền tảng này nhập hàng.
Mở rộng kênh tiếp cận vốn truyền thống là một trong những giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đứng sau dịch vụ cho vay này là cú bắt tay của Công ty CP DMSpro (chủ ứng dụng Bonbon shop) cùng ví điện tử SmartPay và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo đó, nguồn vốn cho tiểu thương được cấp bởi VPBank Commcredit, triển khai thông qua giải pháp công nghệ thanh toán của SmartPay. Ông Phạm Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT DMSpro, cho biết sự hợp tác trên giúp việc thanh toán giữa nhà sản xuất và các điểm bán lẻ trở nên dễ dàng hơn. Các nhà bán lẻ có cơ hội xoay xở nguồn vốn để mua hàng hóa từ nhà sản xuất.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, với nhu cầu xoay vòng vốn nhanh - tối ưu hóa chi phí vốn, những nhà bán hàng luôn tìm kiếm các giải pháp tài chính toàn diện và tiên tiến nhất. Đặc biệt, khi tìm được nguồn vốn từ các kênh chính thức, họ sẽ không phải vay nóng hoặc vay từ nguồn tín dụng đen.
"Đến nay, VPBank Commcredit đã đồng hành và hỗ trợ hơn 150.000 hộ kinh doanh với các gói tín dụng và giải pháp tài chính. Hiện hạn mức (room) tín dụng là một thách thức với các NH thương mại nhưng riêng phân khúc cho vay với tiểu thương, hộ kinh doanh, thường là khoản vay nhỏ nên không bị ảnh hưởng và được VPBank ưu tiên giải ngân" - ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank, nói.
Các ví điện tử cũng nhanh chóng nhập cuộc hỗ trợ nhà bán hàng, DN nhỏ chuyển đổi số để kinh doanh hiệu quả, giải bài toàn tài chính, thay vì xoay xở vốn lưu động từ nguồn vay nóng, tín dụng đen... Ví điện tử MoMo là một trong những đơn vị tiên phong triển khai nền tảng công nghệ Mini App tại thị trường Việt Nam, cho phép các DN, chủ cơ sở kinh doanh từ nhiều ngành hàng khác nhau từ ăn uống, cà phê, trà sữa, mua sắm, thời trang, tài chính - bảo hiểm, du lịch - giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích... dễ dàng tích hợp ứng dụng của mình vào nền tảng MoMo.
Thông qua những ứng dụng nhỏ gọn được tích hợp ngay trên nền tảng MoMo, DN có thể kết nối với hệ sinh thái đa dịch vụ, tiện ích của ví điện tử đang có hàng chục triệu người dùng.
"Điểm nổi bật của nền tảng Mini App trên MoMo nằm ở sự đa dạng nguồn tiền thanh toán cùng các giải pháp hỗ trợ tài chính, giúp nhiều người có thể sử dụng dịch vụ và quản lý tài chính tốt hơn. Theo ước tính, DN có thể tiết kiệm hơn 75% chi phí khi sử dụng nền tảng Mini App so với việc tự xây dựng và phát triển ứng dụng cùng cơ sở dữ liệu" - đại diện MoMo nói.
Fintech cũng cho vay nhanh
Lần đầu tiên thị trường cho vay chính thống ở Việt Nam có khoản vay nhanh trong 7 đến 30 ngày từ hợp tác của VNPT-Media (thuộc Tập đoàn VNPT), Ngân hàng số Cake by VPBank và Công ty Be Earning.
Theo đó, dịch vụ ứng lương đến hơn 30 triệu thuê bao Vinaphone, thông qua ứng dụng VNPT Money, sẽ được triển khai, giúp các chủ thuê bao có thể đăng ký nhận ứng tiền 2-3 triệu đồng từ Cake by VPBank và hoàn ứng trong vòng 7 - 30 ngày. Mức phí và lãi suất của khoản ứng lương chỉ từ 8%/năm. Khách hàng có quyền tự lựa chọn số tiền trả cho việc sử dụng dịch vụ theo mô hình tiền tip. Dịch vụ ứng lương được vận hành theo nguyên tắc "3 không": không phí ẩn, không chứng minh thu nhập, không thế chấp tài sản.
Thực tế, một bộ phận không nhỏ người lao động phải đi vay tiền để chi tiêu. Trong khi đa số công ty tài chính tập trung cho vay phân khúc từ 3 - 12 tháng và NH ưu tiên khoản vay trên 12 tháng. Điều này khiến người lao động khi cần ngay một khoản tiền nhỏ, trước kỳ lương để chi trả chi phí phát sinh phải tìm đến giải pháp vay nhanh không chính thống như vay lãi ngày, thậm chí là các kênh tín dụng đen, ứng dụng cho vay lãi suất cao...
Do đó, mô hình ứng lương từ Cake by VPBank ở phân khúc tín dụng vi mô được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Ông Nguyễn Hữu Quang, CEO Ngân hàng số Cake by VP Bank, cho hay với kinh nghiệm cung cấp khoản vay tiêu dùng cho các tài xế công nghệ, giải pháp ứng lương mà Cake cùng VNPT-Media và Be Earning đưa ra góp phần cùng đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần phổ cập tài chính toàn diện.
Liên quan đến giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, ông Kalidas Ghose, CEO Công ty Tài chính FE Credit, nhìn nhận các tổ chức tín dụng cần liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn của người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Đồng thời, phải đồng hành với người vay để bảo đảm họ có tài chính cho các khoản trả hằng tháng. Từ đó, tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh.
Tín dụng đen đã giảm hơn 1/2
Lãnh đạo NHNN cho biết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa đồng thời tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển.
Những năm qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn. Đến nay, có 2,1 triệu tỉ đồng phục vụ cho vay tiêu dùng, trong đó trên 700.000 tỉ đồng phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn, cấp thiết của người dân.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết theo đánh giá sơ bộ của NHNN và Bộ Công an, hiện tỉ lệ tín dụng đen so với năm 2017 đã giảm hơn một nửa. Trong thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.
Bình luận (0)