Hiện nay, cung - cầu USD tại các ngân hàng thương mại khá cân bằng.
Ngày 4-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giá bán USD từ 23.250 đồng/USD lên 23.400 đồng/USD, đồng thời giữ nguyên giá mua vào ở mức 22.550 đồng/USD.
Theo các ngân hàng thương mại, động thái này của NHNN diễn ra sau khi liên tục bán ra USD trong thời gian gần đây. Hiện tại, cung - cầu USD của các ngân hàng thương mại khá cân bằng.
Phản ứng thông tin trên, tỉ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh và vượt mốc 23.500 đồng/USD chiều bán ra.
Hiện tại, Vietcombank mua vào USD với giá 23.200 đồng và bán ra ở mức 23.510 đồng, tăng 70 đồng so với mức giá cuối tuần trước.
Tương tự, BIDV cũng tăng 70 đồng/USD và niêm yết giá USD ở mức 23.230-23.510 đồng/USD (mua - bán). Riêng ACB thì tăng mạnh lên 23.230 đồng/USD mua vào, bán ra 23.530 đồng/USD
Riêng thị trường tự do, giá USD đang được giao dịch quanh 23.900-23.950 đồng, không thay đổi so với hôm qua.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), tỉ giá đang có nhiều diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế như căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, làn sóng thắt chặt tiền tệ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Bối cảnh đó đã gây áp lực cho tỉ giá USD/VND từ đầu năm 2022 đến nay liên tục tăng.
Trong bối cảnh trên, NHNN điều hành tỉ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỉ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VNĐ dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.
Khi thị trường ngoại tệ gặp nhiều áp lực và với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào, củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung USD cho thị trường. Qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, từ đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bình luận (0)