Đây là công văn thứ 3 của Vinacas kể từ tháng 1 sau khi Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có thông báo "sẽ kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại các cảng".
Trước đó, công tác lấy mẫu được thực hiện tại kho doanh nghiệp (DN) hoặc địa điểm do DN đề xuất theo hình thức kiểm tra nhanh. Việc thay đổi quy trình lấy mẫu khiến DN phát sinh nhiều chi phí, trong khi ngành điều đang gặp khó khăn nên họ đề xuất áp dụng lại quy trình lấy mẫu như cũ.
Ngày 5-4 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nêu nguyên nhân thay đổi quy trình kiểm dịch là do từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt cứng đốt (Trogoderma SP, gọi tắt là con mọt).
Hơn 70% điều chế biến từ nguồn nhập khẩu, trong đó chủ lực là nhập khẩu từ châu Phi
Trước vụ việc này, Vinacas có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cung cấp danh sách các lô hàng điều thô nhập khẩu và chứng thư kiểm dịch của DN bị phát hiện "con mọt". Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, cho biết thời gian qua chưa nhận được bất kỳ thông tin nào của hội viên về "con mọt" cũng như thông tin chính thức của Cục Bảo vệ thực vật về vấn đề này. Vì đây thuộc lĩnh vực chuyên ngành nên Vinacas đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có văn bản hướng dẫn và thông tin làm rõ về "con mọt" kèm theo những lô hàng đã kiểm tra phát hiện được con mọt để hiệp hội phối hợp cảnh báo tới các DN hội viên nếu thực sự đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nền nông nghiệp nước nhà.
Văn bản Vinacas cũng nêu rõ hạt điều thô là nhóm có ít nguy cơ nhất về an toàn kiểm dịch thực vật do các lô hàng nhập khẩu đều được hun trùng rất kỹ từ nước ngoài (có chứng thư xác nhận). Vinacas cũng phản đối các DN cố tình nhập khẩu lô hàng có con mọt làm ảnh hưởng đến ngành chế biến điều và sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Bình luận (0)