Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dừa tươi đang là mặt hàng ưu tiên đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu lớn, trước đây đã từng nhập khẩu tiểu ngạch dừa tươi để tiêu thụ.
Mở cửa thị trường Trung Quốc
Tuy vậy, ở thị trường trong nước, dừa đang bị dội chợ, giá bán lẻ dừa tươi tại TP HCM chỉ xoay quanh mức 6.000 - 12.000 đồng/quả, bằng 2/3 so với trước đây dù thời tiết đang trong cao điểm nắng nóng.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngành dừa Việt Nam chia thành 2 phân khúc rõ rệt là dừa tươi uống nước hay dừa du lịch và dừa khô nguyên liệu hay còn gọi là dừa chế biến.
Thạch dừa Vinacoco tại một hội chợ thực phẩm diễn ra tại TP HCM
Ông Khoa cho biết ở mảng dừa du lịch những năm gần đây sản lượng gia tăng nhanh chóng nhờ có nhiều giống dừa mới năng suất cao nhưng đầu ra chưa tương xứng dẫn đến giá giảm. Dừa này doanh nghiệp (DN) gọt vỏ, tạo hình viên kim cương hoặc gọt hết xơ (dừa trọc) để xuất khẩu, tại thị trường nội địa thì chở nguyên trái đến các thành phố lớn để bán. Điểm yếu của dừa tươi nguyên trái là cồng kềnh, cần dao chuyên dụng để gọt, cũng như lo ngại về chất tẩy trắng đối với dừa gọt sẵn.
"Du lịch hiện chưa phục hồi hoàn toàn nên tiêu thụ dừa tươi mảng này còn yếu, chưa kể đầu tư chưa tương xứng. Ví dụ, ở Bình Định, dừa tươi rất nhiều và ngon nhưng chưa sơ chế tiện lợi để bán theo dạng nước suối, nước ngọt nên tiêu thụ chưa được bao nhiêu" - ông Khoa dẫn chứng.
Còn đối với mảng dừa khô, thị trường thế giới đang chuyển rất nhanh sang yêu cầu nguyên liệu phải có chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (như hữu cơ, GlobalGAP) trong khi các vùng nguyên liệu Việt Nam chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống. "Có nhiều thời điểm dừa khô bị ế nhưng nguyên liệu có chứng nhận vẫn đắt hàng, giá gấp đôi thị trường. Điều này đặt ra yêu cầu cần sự chuyển đổi nhanh trong canh tác để thích ứng với thị trường" - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam nêu.
Theo bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách Cục Xúc tiến thương mại phía Nam - Bộ Công Thương, diện tích dừa cả nước khoảng 188.000 ha, sản lượng 1,9 triệu tấn, mang về doanh thu xuất khẩu hơn 900 triệu USD gồm dừa và các sản phẩm liên quan đến dừa trong năm 2022. Với dư địa còn rất lớn, ngành dừa hoàn toàn có khả năng gia nhập CLB xuất khẩu 1 tỉ USD trong tương lai gần.
"Tiềm năng của ngành dừa rất lớn, Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10%/năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như: kem dừa tăng 36%/năm, nước dừa tăng 25%/năm, dầu dừa tinh khiết tăng 21%/năm, sữa dừa tăng 15%... do người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các sản phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật.
Do đó, ngành dừa cần nắm bắt cơ hội từ việc nâng cao khả năng cạnh tranh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm" - bà Hoàng Yến khuyến cáo.
Tăng đầu tư cho chế biến
Thực tế, thời gian gần đây nhiều DN lớn trong nước đã nhìn thấy tìm năng lớn của ngành dừa trong chế biến thực phẩm. "Vua bánh mì" - ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), đang xây dựng thương hiệu kem Go Gelato (kem kiểu Ý) với những nguyên liệu tươi từ nông sản Việt.
Trong đó, món kem dừa đang rất "hot", loại kem này sử dụng đến 4 loại nước cốt dừa khác nhau trong công thức. "Kem dừa của nước ngoài chỉ có hương liệu, còn kem dừa Việt Nam là dừa thật 100% nên hương vị cũng thơm ngon đặc biệt" - ông Kao Siêu Lực tự hào.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết đến nay vẫn tự hào về công ty thành viên là Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), sở hữu nhà máy sản xuất, chế biến nước dừa đóng hộp lớn nhất Việt Nam. "90% sản lượng của nhà máy là xuất khẩu, sản phẩm được đồng nghiệp nước ngoài khen có vị ngọt rất thanh.
Trước khi có nhà máy, nước dừa ở đây chỉ để chế biến nước màu kho cá, kho thịt với giá trị gia tăng thấp. Gần đây, chúng tôi chế biến thêm được sữa dừa, phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo vốn không sử dụng sữa động vật. Để làm được như vậy, cần phải nỗ lực và vượt qua sự tự ti" - chủ tịch TTC nêu.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GF Food - Đồng Nai), sở hữu nhà máy chế biến thạch dừa Vinacoco, cho biết công ty đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024-2025, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.
"Dừa là một trong những sản phẩm thuộc nhóm tốt cho sức khỏe, nguồn gốc tự nhiên, ít có nguy cơ nhiễm hóa chất gây hại nên có tiềm năng tăng trưởng cao. Dù vậy, để đầu tư một nhà máy chế biến dừa đạt chuẩn xuất khẩu cần nguồn vốn ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên khá kén nhà đầu tư, nhất là giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay" - ông Thứ lý giải.
Cũng theo ông Thứ, GC Food có kế hoạch làm dự án xưởng cấy thạch tại Bến Tre, quy mô 1 ha, công suất 50.000 tấn thạch tấm/năm với tổng vốn đầu tư 50 tỉ đồng để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Vinacoco trong giai đoạn 2023-2025.
Nhiều dư địa
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, dư địa xuất khẩu của ngành dừa ở nhóm thủ công mỹ nghệ cũng còn rất lớn, như tranh từ gáo dừa đã có nhiều tác phẩm giá tiền tỉ. Ngoài ra, mảng dừa du lịch cũng đang thu hút được nhiều DN khởi nghiệp do vốn đầu tư ban đầu không lớn. Những DN này làm dừa trọc, dừa khắc laser, dừa bật nắp, dừa ba đốt... nói chung là những sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý đã góp phần tiêu thụ dừa cho bà con nông dân.
Bình luận (0)