Ngày 30-6, tại TP HCM, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND TP HCM đồng tổ chức hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường EU (Liên minh châu Âu), thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)".
Chớp thời cơ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP xác định EU là thị trường lớn để các DN của TP đa dạng hóa đối tác và tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi DN phải nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm để vượt qua được những quy định EU đặt ra, chinh phục người tiêu dùng khu vực này.
Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của thị trường EU, từ tháng 7-2019, ngay sau khi hiệp định được ký kết, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để DN ổn định sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. TP đã tổ chức diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề "Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU thông qua Hiệp định EVFTA" nhằm giúp DN TP hiểu rõ hơn về pháp lý, chính sách ưu đãi của EU, yêu cầu về chất lượng hàng hóa; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN như hướng dẫn quy trình hướng dẫn theo quy chuẩn quốc tế, tổ chức các chương trình đào tạo cho DN về thương hiệu hàng hóa, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn…
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận TP chưa khơi dậy hết tiềm năng của hơn 20.000 DN xuất khẩu và các sản phẩm chủ lực xuất khẩu trên địa bàn. Điều này thể hiện qua tỉ trọng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tại EU chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thị trường xuất khẩu. "Thực tế đòi hỏi TP nỗ lực nhiều hơn nữa trong bối cảnh hiệp định chính thức được phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực vào tháng 8 tới. Hiệp định là động lực tái cơ cấu kinh tế, là cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng hồi phục kinh tế sau đại dịch" - Chủ tịch UBND TP nhận định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá sau khi hiệp định có hiệu lực, nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD. Trong khi nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp từ Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Do đó, Việt Nam có dư địa rất lớn để xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường này. Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý về những thách thức mới khi bước vào sân chơi lớn, như rào cản kỹ thuật chặt chẽ, vấn đề đàm phán về kiểm dịch động - thực vật hiện vẫn là một bài toán cho các nước.
Dây chuyền đóng gói hút chân không gạo được giới thiệu tại Festival Gạo Việt Nam. Ảnh: NGỌC ÁNH
Không dễ tận dụng ưu đãi
Trong các lĩnh vực, ngành gạo nổi lên vấn đề làm thế nào để tận dụng được ưu đãi hạn ngạch miễn thuế mà EU cấp cho Việt Nam là 80.000 tấn gạo/năm.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo sang EU-27 (trừ Anh) năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo.
"Thuế suất EU áp lên gạo Việt Nam là 175 euro/tấn với gạo xay xát (khoảng 4,67 triệu đồng/tấn), 65 euro/tấn với gạo tấm và 211 euro/tấn với thóc. Theo cam kết EVFTA, EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm gạo xay xát và gạo thơm với thuế suất trong hạn ngạch là 0%" - ông Hải thông tin.
Phân tích về hạn ngạch gạo EU, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết với giá xuất khẩu gạo sang EU trung bình 700 USD/tấn thì năm 2019, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được hơn 15.000 tấn. "So với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực, dư địa cho chúng ta còn rất lớn, nhất là khi thuế chỉ còn 0%. Hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU cấp so với sản lượng xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn/năm của Việt Nam dù rất nhỏ nhưng chưa chắc DN dùng hết vì không có gạo đủ tiêu chuẩn" - ông Bình phân tích.
Được biết, Bộ NN-PTNT đang chủ trì dự thảo "Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch". Theo đó, DN phải được Cục Trồng trọt xác nhận chủng loại gạo với nhiều tiêu chí rất phức tạp mà DN phải đáp ứng.
Ông Phạm Thái Bình đặt vấn đề nếu quy trình xác nhận trên và EU không bắt buộc thì Việt Nam nên dùng hình thức khác để tạo sự thông thoáng cho DN. Phản hồi ý kiến của DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích gạo là mặt hàng nhạy cảm, trong EU cũng có nước sản xuất gạo nên đàm phán mở cửa mặt hàng này rất khó khăn.
"Qua đàm phán, 2 bên đã thống nhất phải có hạn ngạch và gạo xuất khẩu cần đúng chủng loại, phù hợp yêu cầu của EU và được cơ quan chức năng Việt Nam xác nhận. Để phòng tranh chấp thương mại sau này với nhà nhập khẩu gạo EU, Hiệp hội Gạo EU, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ và việc ban hành nghị định là phù hợp. Trường hợp nghị định chưa xong vào ngày 1-8, các bộ sẽ tham vấn EU để đưa ra cơ chế tạm thời cho những lô gạo đầu tiên xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng có thể sẽ xin cơ chế để một số DN được xuất khẩu theo hạn ngạch EU trước để "đầu xuôi đuôi lọt" vì thực tế gạo xuất khẩu sang EU cần quy trình canh tác riêng, một số giống lúa nhất định thì mới đáp ứng được yêu cầu của họ.
Theo ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng - đơn vị chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông - thủy sản xuất khẩu sang EU, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Hiện nay, việc tuân thủ quy định về ngưỡng thuốc trừ sâu trong nông sản xuất khẩu sang EU đã là một khó khăn lớn cho DN. Ngoài ra, các DN chậm cập nhật các quy định mới của EU, một số hóa chất EU cấm sử dụng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam. Hơn nữa, không phải quy định mới nào của EU cũng hợp lý. Do đó, các hiệp hội, DN cần theo dõi sát để phản biện những quy định không hợp lý.
Nghiên cứu mở sàn thương mại điện tử
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với các thông tin hướng dẫn cụ thể nhất. Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng đồng ý xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam với EU nhằm tạo điều kiện cho DN 2 bên tham gia, tối đa hóa lợi nhuận cho DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, hoàn thiện các quy trình liên quan đến logistics, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử, các vấn đề liên quan đến nền tảng số... để DN có thể hoạt động trên sàn này.
Bình luận (0)