Sáng 8-6, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được thông qua. Cụ thể, có 457 đại biểu (đạt 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu được 100% tham gia biểu quyết tán thành
Theo Nghị quyết, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỉ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
EVFTA được kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp của cả hai phía, Việt Nam và Liên minh châu Âu với việc cắt giảm thuế nhập khẩu rất sâu, gồm nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực; nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một khoảng thời gian nhất định, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn; nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan; nhóm hàng hóa không cam kết.
Đối với thương mại dịch vụ và đầu tư, cam kết của Việt Nam và EU là tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Đối với thương mại điện tử, về phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử…
Bình luận (0)