Theo ông Tuấn, việc ký kết TPP mở ra nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là với 12 nước tham gia TPP có thị trường rộng lớn 600 triệu dân, tiêu thụ nông sản lớn, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này chiếm tới 35%, trong khi cao su chiếm 48%, rau quả chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu… Chúng ta cũng nhập khẩu đầu vào cho phục vụ sản xuất nông nghiệp từ Trung Quốc, chiếm tới 62,5%. “Trung Quốc là bạn hàng lớn nhưng chính sách phải luôn luôn linh hoạt. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP thì ngành nông nghiệp Việt Nam có điều kiện tốt hơn để điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu” - ông Tuấn nói.
Cũng theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp. Hiện nay, đầu tư FDI vào nông nghiệp khá ít, giá trị vốn cam kết chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. TPP cũng tạo cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp với định hướng trọng tâm áp dụng công nghệ mới, tiến tới sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng tham gia TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi nền sản xuất nhỏ, manh mún. Cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 1,01% và hầu hết trong số này có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỉ đồng. Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn theo quy mô hộ gia đình là chính, công nghệ còn kém nên rất khó cạnh tranh.
“Đã là sân chơi chung, luật chung thì phải tuân thủ, ai mạnh người ấy thắng. Nếu coi TPP là “liều thuốc” thử thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy gồm cơ quan quản lý, nông dân và doanh nghiệp không linh hoạt, thay đổi thì chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà” - ông Tuấn khuyến cáo.
Bình luận (0)