Nhà Trắng ước tính Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ loại bỏ 18.000 thuế quan đối với hàng hóa nước này trong khi các thành viên khác đều được hưởng lợi, bên cạnh các nhượng bộ, tại các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương.
Lợi và hại
Đối với Nhật Bản, thắng lợi lớn nhất thuộc về các nhà sản xuất xe hơi và bộ phận ô tô khi con đường tới Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế số 4 thế giới - bớt tốn kém hơn. Tuy nhiên, Tokyo buộc phải giảm một số bảo hộ đối với nông dân trồng lúa, tạo ra hạn ngạch nhập khẩu phi thuế quan cho 1% tổng tiêu thụ. Người chăn nuôi đất nước mặt trời mọc chịu thiệt thòi nhiều hơn khi thuế thịt bò bị giảm từ mức 38,5% còn 9% trong vòng 16 năm và thịt heo cũng chịu chung số phận giảm thuế.
Tuy nhiên, các chủ trang trại tại Úc lại có thể mỉm cười với sự cắt giảm đó của Nhật. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 6-10 nói TPP sẽ trút bớt gánh nặng khoảng 6,4 tỉ USD các loại thuế nhập khẩu cho thương mại xứ sở kangaroo. Canberra còn hưởng lợi từ việc tiếp cận được thị trường đường của Mỹ, trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế đối với sản phẩm này. Hải sản và phần lớn các mặt hàng rau củ chia sẻ niềm vui giảm thuế, trong khi ngũ cốc và gạo hưởng hạn ngạch ưu đãi.
Úc và New Zealand đã gây sức ép thành công đối với Mỹ nhằm giảm thời gian các công ty dược phẩm được bảo hộ những loại thuốc công nghệ sinh học mới xuống ít nhất trong vòng 5 năm thay vì 12 năm theo ý của Washington.
Một nhà máy lắp ráp ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản)
ở TP Cambridge, tỉnh Ontario - Canada Ảnh: THE CANADIAN PRESS
Riêng New Zealand, việc loại bỏ thuế quan đối với 93% hoạt động thương mại của nước này với các đối tác TPP sẽ tiết kiệm cho ngân khố 168 triệu USD mỗi năm. Theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser, công nghiệp bơ sữa - vốn chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu nước này - tiết kiệm hơn 66 triệu USD/năm. Tuy nhiên, Wellington vẫn chưa dỡ bỏ được một số hàng rào thuế quan ở những thị trường trọng yếu như Mỹ, Nhật, Canada và Mexico.
Cái giá Bắc Kinh phải trả
Tại Malaysia, các công ty nhà nước có thể không dễ chịu vì TPP đòi hỏi mọi doanh nghiệp được tiếp cận hoạt động thu mua của chính phủ một cách công bằng. Tuy nhiên, cũng không thể chối cãi những lợi ích mà hiệp định mang lại cho các nhà xuất khẩu sản phẩm hóa học, điện tử, cao su và dầu cọ. Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới cũng như trong nhóm đứng đầu các nước trồng cao su.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là thua thiệt hơn cả trước sự thắng lợi của TPP. Là nền kinh thế số 2 thế giới, đồng thời giữ vai trò đối tác thương mại lớn nhất của 7/12 thành viên TPP nhưng Trung Quốc lại đứng ngoài hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này.
Giới chuyên gia cho rằng sự lẻ loi đó là cái giá mà Bắc Kinh phải trả do trì hoãn cải cách trong khi các quốc gia khác viết nên bộ quy tắc mới cho hoạt động thương mại trong 40% nền kinh tế toàn cầu. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể phải “nhường sân” một số thị phần tại các nước đang phát triển như Việt Nam cho Mỹ và Nhật Bản, theo nhà kinh tế Fielding Chen của hãng tin Bloomberg.
Đáp lại, ông Chen cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các con đường tơ lụa mới nối châu Á với châu Âu, tăng cường hoạt động của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và cố đạt được nhiều thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác.
Trong chuỗi phản ứng thận trọng của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này nói: “Bắc Kinh hy vọng TPP và các hiệp định thương mại tự do khác có thể thúc đẩy lẫn nhau và góp phần phát triển thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương”. Các nhà quan sát gọi đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không định “sập cửa” với hiệp định được cho là hòn đá tảng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Hướng Tùng Tộ nhận định: “Về dài hạn, nếu TPP thu nạp thêm thành viên, đặc biệt là từ châu Âu, thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 6-10 tuyên bố TPP sẽ nâng tầm ý nghĩa chiến lược nếu Trung Quốc tham gia trong tương lai.
Thỏa thuận lịch sử
Ngay sau khi 12 nước tham gia TPP đạt thỏa thuận cuối cùng vào cuối ngày 4-10 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi đây là bước ngoặt thể hiện sự tăng cường các mối quan hệ chiến lược giữa Washington và đối tác cũng như đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông tuyên bố các nước như Trung Quốc sẽ không được phép “viết luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper mô tả hiệp định này là một thỏa thuận lịch sử, giúp nông dân Canada đẩy mạnh tiếp cận thị trường Nhật Bản. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng khẳng định TPP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nước này.
Tại New Zealand, dù điều khoản xuất khẩu sữa sang các nước khác trong TPP không được như kỳ vọng nhưng Thủ tướng John Key vẫn lạc quan rằng hiệp định sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ủng hộ TPP sắp tới phải nỗ lực thuyết phục người dân và quốc hội nước mình. Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và ứng viên tổng thống Bernie Sanders (Đảng Dân chủ) đòi ông Obama chứng minh thỏa thuận không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của quốc hội.
Đảng Dân chủ mới đối lập ở Canada lo ngại TPP sẽ khiến các trang trại kiểu gia đình lâm vào khó khăn. Còn thủ lĩnh Công đảng New Zealand Annette King chỉ trích hiệp định chỉ mang lại lợi ích vụn vặt cho ngành công nghiệp sữa. Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cũng lưu ý TPP không được làm suy yếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bản địa cũng như vi phạm hiến pháp.
Phạm Nghĩa
Xuất khẩu, sản xuất Việt Nam hưởng lợi
Với việc TPP được ký kết, Việt Nam chính là nước thắng lớn nhất. Theo nhận định của Tập đoàn Tư vấn rủi ro Eurasia Group trên trang Bloomberg ngày 6-10, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11% trong lúc kim ngạch xuất khẩu tăng 28% vào năm 2025.
Ngoài ra, ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế suất nhập khẩu đối với tôm, mực và cá ngừ; hiện ở mức bình quân từ 6,4% -7,2%.
Trang barrons.com đánh giá các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam cũng hưởng lợi đáng kể từ TPP. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay, khi mức thuế nằm trong khoảng 17%-32%.
Sự vắng mặt của Trung Quốc trong TPP cũng tạo thuận lợi cho các công ty Việt Nam. Công ty Nghiên cứu thị trường Macquarie Research thống kê Trung Quốc hiện chiếm 34% lượng hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ, theo sau là Việt Nam với 11% thị phần. Đối với giày dép, thị phần của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 66% và 11%.
Nói như đài CNN, TPP sẽ trao cho một số nước đang phát triển, chẳng hạn Việt Nam, cơ hội để nắm bắt một số thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Nếu không mặn mà với TPP, ắt hẳn Trung Quốc chỉ là “thứ yếu” trong các ưu đãi thương mại mới.
Các công ty, thậm chí cả của Trung Quốc, sẽ phải điều chỉnh chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế ưu đãi trong thị trường các nước TPP và đặc biệt là Mỹ. Họ sẽ đẩy mạnh di dời dây chuyền sản xuất chi phí thấp từ Trung Quốc đến các nước tham gia TPP, như Việt Nam.
Một trong những thách thức mà Việt Nam đối mặt khi tham gia TPP là vấn đề lao động, bao gồm áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Ông Dane Rowland, Hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Carleton (Canada), nhận định: “Việt Nam không thể trở thành một quốc gia mẫu mực về quyền lao động theo các tiêu chuẩn tương tự ở Bắc Mỹ trong một sớm một chiều”.
Ngoài ra, ngay cả khi thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản đối với hàng may mặc được cắt giảm thì các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thể gặp khó trước những quy định ngặt nghèo hơn về nguồn gốc nguyên vật liệu.
Chưa hết, việc loại bỏ thuế nhập khẩu sản phẩm thuốc, hiện ở mức 2,5%, sẽ thêm mức độ khốc liệt cho sự cạnh tranh giữa nhà sản xuất Việt Nam và nước ngoài. TPP cũng siết chặt việc bảo hộ bằng sáng chế, từ đó hạn chế khả năng sản xuất và tiếp cận những loại thuốc mới của các công ty trong nước.
Huệ Bình
Bình luận (0)