xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA

Thái Phương - Thùy Dương - Cao Lực

Sự bổ sung, tương trợ giữa hai nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và EU, khép lại khoảng cách phát triển giữa EU với Việt Nam trong tương lai

Vào lúc hơn 18 giờ ngày 12-2 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với tỉ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Đây được đánh giá là hiệp định toàn diện nhất giữa khối này với một đối tác đang phát triển.

Đôi bên cùng có lợi

Theo đại biểu Nghị viện châu Âu người Bỉ Geert Bourgeois, EVFTA sẽ thúc đẩy thịnh vượng cho cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Việt Nam; mang lại một cơ hội tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu và đầu tư châu Âu trong bối cảnh sự cạnh tranh đến từ Mỹ và Trung Quốc ngày càng khốc liệt. "Chúng tôi đã đàm phán suốt 8 năm và quan trọng là chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. EVFTA cùng có lợi cho đôi bên. Trong khuôn khổ của hiệp định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 16,4 tỉ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 9,1 tỉ USD đến năm 2035" - ông Bourgeois nhận định.

Trong khi đó, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan khẳng định "lợi ích từ hiệp định là rất nhiều". Ông Hogan cũng đánh giá cao những cam kết được Việt Nam thực hiện để giải quyết các vấn đề nổi cộm.

Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA - Ảnh 1.

Theo đài Deutsche Welle (Đức), kim ngạch thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam đã vượt mốc 3 tỉ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, con số này có thể tăng mạnh hơn nữa sau khi EVFTA được EU bỏ phiếu thông qua.

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 7 sẽ loại bỏ 99% thuế quan song phương trong quãng thời gian 7 năm và sẽ cắt giảm rào cản phi thuế quan cho ôtô và rượu bia...

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP HCM, tin tưởng EVFTA sẽ là nền tảng thúc đẩy giao thương giữa Ba Lan và Việt Nam. "Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất đối với các công ty Ba Lan ở Đông Nam Á" - ông Harasimowicz nói thêm.

Ông cũng cho rằng khi EVFTA chính thức có hiệu lực, những ngành như dược phẩm, thực phẩm nông nghiệp, máy móc và công nghiệp ôtô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tự do hóa thương mại song phương. Gần 50% dược phẩm từ EU, trong đó có Ba Lan, sẽ được miễn 8% thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được miễn sau 7 năm.

Cơ hội rất tốt

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh EVFTA có thể coi là cách Việt Nam và EU nối vòng tay giữa hai nền kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Từ đó, sự bổ sung, tương trợ giữa hai nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và EU, khép lại khoảng cách phát triển giữa EU với Việt Nam trong tương lai.

Trong ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bày tỏ doanh nghiệp (DN) ngành này rất kỳ vọng vào hiệp định và tự tin 100% có thể chinh phục tốt thị trường EU, vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam. Ngay từ năm 2019, nhiều DN cũng đã có động thái đầu tư vào sản xuất vải, sợi... để đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ vải nhằm đón đầu thời cơ từ EVFTA.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết ngay từ giữa năm ngoái - khi Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA, các DN trong ngành dệt may đã rất trông đợi vào hiệp định bởi EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam. "Ngành dệt may hiện cũng gặp những khó khăn nhất định. Năm 2019, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 10% nhưng không đạt được. Năm nay, hy vọng với EVFTA, mức tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam có thể đạt 10%-15%. Khó có thể trông mong sự tăng trưởng đột phá bởi nếu được đưa vào thực thi thì hiệp định mới chỉ được khai thác trong giai đoạn đầu, song có thể coi là tiền đề cho những năm tiếp theo bứt phá" - ông Hồng nói.

Tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-2019) gây ra đang phủ lên ngành dệt may những tác động tiêu cực, nhất là khó khăn về nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Do vậy, chưa thể rõ khả năng ngành dệt may sẽ khai thác được hiệp định EVFTA hiệu quả đến đâu. Chưa kể, ngay cả khi không xảy ra tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì cũng không phải DN nào cũng khai thác tốt được EVFTA, dù đây là cơ hội rất tốt.

Cùng quan điểm này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận dù lạc quan với EVFTA nhưng hiện nay, tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tác động đến cả thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc nên các DN cần nắm bắt, theo dõi và đánh giá tác động, trên cơ sở đó điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp. Với EVFTA, đây là hiệp định được đàm phán sau nhiều năm nên các DN và ngành xuất khẩu thủy sản cũng có sự chuẩn bị để tận dụng, khai thác cơ hội. "Mục tiêu của ngành xuất khẩu thủy sản năm nay vào EU khoảng 2 tỉ USD nên việc EVFTA được thông qua sớm sẽ hỗ trợ DN gia tăng cơ hội đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Với thị trường EU, các dự báo trước đó cho thấy khi EVFTA có hiệu lực sẽ gia tăng khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu nên DN cần tận dụng và khai thác tối đa hiệp định này" - ông Trương Đình Hòe phân tích.

Dù vậy, lãnh đạo VASEP cũng cho rằng các DN xuất khẩu thủy sản sẽ phải cạnh tranh với các thị trường khác cùng xuất vào EU, nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, sụt giảm trước tác động của dịch Covid-19. Điểm mấu chốt của thị trường EU là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc...

Mở rộng các thị trường mới

Ông Đặng Hoàng An, Phó Giám đốc kinh doanh phụ trách xuất khẩu Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Kim Hải (chuyên xuất khẩu thanh long chế biến), cho biết DN hiện đang xuất khẩu các mặt hàng thanh long chế biến sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc và EU. Riêng với thị trường EU, công ty đang xuất khẩu thanh long sấy dẻo đi Đức và dự kiến sẽ mở rộng thêm các thị trường mới trong khu vực khi EVFTA có hiệu lực.

Đồng thời, khi EVFTA được thực thi theo lộ trình, chi phí logistics cũng sẽ giảm dần giúp chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang EU giảm, hỗ trợ tốt hơn cho DN. Theo đại diện của Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Kim Hải, cơ hội từ EVFTA trong việc tìm kiếm, mở rộng đối tác, khách hàng là rất lớn. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng hàng hóa để đi vào EU trong lĩnh vực thực phẩm khá cao, tương tự hoặc thậm chí cao hơn vào Mỹ, Úc... nên các DN phải có sự chuẩn bị về kỹ thuật, chất lượng mới mong có cơ hội bán hàng được. Tiếp cận thì dễ nhưng bán hàng được thì phải chuẩn bị.

Những ngày qua, dưới tác động của Covid-19 và việc ngưng thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu với Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ông Đặng Hoàng An thừa nhận công ty có xuất thanh long sang Trung Quốc khi thương lái thu mua nhưng mặt hàng này đang bị ngưng trệ khiến công ty cũng bị ảnh hưởng.

"Dù vậy, nhờ đa dạng hóa thị trường và đầu tư nhiều vào sản phẩm chế biến, nên thời điểm này, các nhà máy của công ty đang hoạt động với công suất cao để chế biến, tích trữ nên phân tán rủi ro. Công ty cũng đang nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực" - ông Đặng Hoàng An cho hay.

Dưới góc độ nhà nước, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho rằng để tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại đem lại, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ, sự chủ động từ phía DN đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, DN phải chủ động tìm hiểu điều kiện của từng thị trường, đặt trong khả năng đáp ứng hiện tại của DN, từ đó có chiến lược riêng để đáp ứng điều kiện nhằm hưởng được thuế suất ưu đãi. Ngoài ra, với những nội dung còn vướng mắc, khó khăn, DN có thể liên lạc với các cơ quan chức năng, đoàn đàm phán để được giải đáp. 

Thời khắc lịch sử

Trao đổi với báo chí ngay khi EVFTA được biểu quyết thông qua, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định: "Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép DN châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự, các công ty châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam. Kết quả bỏ phiếu là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ năm 2012 với 12 vòng đối thoại. Tuy nhiên, kết quả của bỏ phiếu ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần bảo đảm việc triển khai EVFTA diễn ra suôn sẻ để các DN và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà hiệp định này mang lại".

D.Ngọc

Chủ động tận dụng các cơ hội

Bày tỏ vui mừng sau khi Nghị viện châu Âu (EP) chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), với tỉ lệ 63,33%, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định cho hoạt động thương mại của Việt Nam, các hiệp định được thông qua sẽ là cơ hội cho Việt Nam vượt qua khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày. Hiệp định này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam cần tìm kiếm, đẩy mạnh thị trường mới thay vì phụ thuộc vào một thị trường.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi EVFTA được thực thi trong năm đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 85% dòng thuế với hàng hóa Việt Nam. Sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm. "Việc thông qua hiệp định đã tạo ra nền tảng mới bền vững và lâu dài hơn giữa Việt Nam và EU, là cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU" - ông Trần Tuấn Anh nói và cho biết để tận dụng tối đa những cơ hội từ EVFTA, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan khác gấp rút hoàn thiện các công việc còn lại, bảo đảm tính pháp lý để thực thi.

"Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị và trình Chính phủ chương trình hành động, đề ra những nhiệm vụ trước mắt và dài hạn, đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tương thích với cam kết hội nhập" - ông Trần Tuấn Anh cho hay. Bên cạnh đó, là các nhiệm vụ về phổ biến kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin đầy đủ về hiệp định đến từng ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân.

Từ những cơ chế ưu đãi mà hiệp định mang lại cho hàng hóa Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh cảnh báo có nguy cơ bị lợi dụng để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã có tính toán để nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát và đưa vào chương trình hành động để triển khai ngay khi hiệp định được thực thi.

Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng chỉ rõ Việt Nam sẽ gặp phải một số rào cản nhất định khi hiệp định chính thức có hiệu lực, điển hình như rào cản kỹ thuật và bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do đó, cần đẩy mạnh chất lượng ngành nông nghiệp, bảo đảm truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EU, bởi nếu không tổ chức tốt chuỗi cung ứng thì lợi ích từ hiệp định sẽ bị giảm bớt. Đối với ngành công nghiệp, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc phát triển, ban hành nhiều chính sách, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày, dệt may, điện tử, cơ khí, ôtô... "Hiệp định có chứa đựng những yêu cầu chặt chẽ rất cao về xuất xứ, chứng nhận xuất xứ. Do đó, chúng ta phải tổ chức tốt công nghiệp hỗ trợ, tạo chuỗi cung ứng tốt" - bộ trưởng cho hay.

Nhìn lại quá trình đàm phán để đạt được kết quả như hôm nay, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cả Việt Nam và EU đều nỗ lực không ngừng nghỉ trong hơn 8 năm qua, từ khi khởi sự đàm phán. "Qua quá trình đàm phán cũng như tiếp tục thực hiện các quy trình pháp lý để phê chuẩn cho thấy EU với 28 nước thành viên, cùng các nghị sĩ đại diện tiếng nói của nhân dân EU đều rất quan tâm đến không chỉ hợp tác với Việt Nam về kinh tế, thương mại mà còn cả môi trường phát triển bền vững tại Việt Nam, năng lực thực thi của Việt Nam" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 5 thì hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7-2020. Không chỉ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp, hiệp định còn mang lại nhiều lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng.

Minh Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo