Nhìn thấy quảng cáo app (ứng dụng) GoDee - đặt vé xe di chuyển trong TP, chị Hoài Anh (quận 3, TP HCM) thử tải về và đặt chuyến xe từ nhà đến Chợ Lớn (quận 5, TP HCM) với giá 30.000 đồng/lượt. Chị khá bất ngờ khi thấy ứng dụng không cho phép lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ như các hãng xe công nghệ khác mà chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ thông qua liên kết với thẻ tín dụng, ví Momo, VinID Pay, hoặc ví của GoDee.
Dịch vụ gọi xe GoDee đón khách tại quận 1 - TP HCM
"Tuy hình thức gọi xe rất hiện đại, tiện dụng nhưng GoDee đón khách theo tuyến giống xe buýt thông thường. Tức là khách phải di chuyển tới điểm đón cố định để bắt xe thay vì được đón tận nơi như xe ôm hoặc taxi công nghệ. Để đi thử chuyến GoDee này, tôi phải đi xe ôm từ nhà ở quận 3 ra tận Công viên 23 Tháng 9 ở quận 1 mới có xe đón. Như vậy, tổng chi phí di chuyển bằng dịch vụ GoDee còn đắt hơn các loại xe khác, không có lợi khi đi tuyến đường ngắn" - chị Hoài Anh so sánh.
Theo tìm hiểu, dịch vụ GoDee không có trạm đón khách hữu hình như xe buýt công cộng. Hãng xe lựa chọn các địa điểm phổ biến, thuận tiện để khách lên xuống, chủ yếu là các tòa nhà đông dân cư như Diamond Plaza, khách sạn Sofitel, Vinhomes Central Park, chung cư New Sài Gòn...
Một bất tiện khác là hiện nay, xe chỉ hoạt động đưa đón khách trong khung giờ rất hạn chế với các chuyến lúc 7 giờ 50 phút, 8 giờ 20 phút, 17 giờ, 17 giờ 30 phút, 18 giờ 30 phút và 19 giờ. Do chỉ tập trung vào 2 khung giờ chủ yếu là sáng và chiều tối nên xe buýt GoDee phù hợp với dân công sở và không phù hợp với nhu cầu số đông.
Xe có nội thất mới, khang trang
Bù lại, GoDee chủ yếu sử dụng xe 16 chỗ để đưa đón khách, hầu hết là xe Ford Transit đời mới (từ 2017 trở lên) nên chất lượng xe bảo đảm, chỗ ngồi rộng rãi, thông thoáng, sạch sẽ, có máy lạnh. Tài xế lịch sự, lái xe đúng luật, đón khách đúng giờ. Khách hàng chỉ cần biết biển số xe và theo dõi lộ trình di chuyển của xe thông qua ứng dụng để đón đúng chuyến xe đã đặt. Tại mỗi điểm dừng, xe chờ khách 3 phút trước khi lăn bánh.
Ông Chiến, tài xế của GoDee, cho biết toàn hệ thống có khoảng 40 xe đang hoạt động nên chưa mở rộng đưa đón khách được ở tất cả các quận, huyện của TP. Chẳng hạn, không có chuyến xe đi từ quận 3 đến các quận còn lại. Theo thông báo của hãng xe công nghệ này, từ tháng 9, hãng dự kiến tăng thêm tuyến để phục vụ khách tốt hơn.
Trên trang web của Công ty TNHH GoDee Việt Nam, doanh nghiệp này giới thiệu dịch vụ GoDee là hình thức chia sẻ chuyến đi với người khác để tiết kiệm chi tiêu, giữ gìn sức khỏe. Do vậy, chỉ cần đặt vé trước 10 phút so với giờ khởi hành và được mua tối đa 3 vé/lần, hành khách có thể di chuyển bằng xe GoDee với giá cố định cho mọi tuyến đường và không tăng giá khi trời mưa hoặc giờ cao điểm.
Về loại hình xe buýt công nghệ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM mới đây đã công bố ứng dụng Go!Bus - ứng dụng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên điện thoại di động.
Nhận định loại hình này phù hợp với điều kiện vận chuyển hành khách tại TP, phù hợp tổ chức các tuyến xe buýt có sức chứa nhỏ, Sở GTVT TP HCM đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận đề xuất của Công ty Busgo như sau: sử dụng phương tiện có sức chứa dưới 17 chỗ, không bố trí chỗ đứng vận chuyển hành khách kết nối giữa các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, kết nối các tuyến vận tải có khối lượng lớn, kết nối phương thức vận tải theo tuyến đường… trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, Bộ GTVT bác đề xuất của Sở GTVT TP HCM bởi không phù hợp quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện có sức chứa dưới 17 chỗ cũng không phù hợp với Nghị định 10/2020 của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô), Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ).
Bình luận (0)