Tại buổi tọa đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển" diễn ra ở Hà Nội sáng 23-8, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), dẫn lại kết quả điều tra về chi phí không chính thức năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Có tới 60% DN được hỏi cho biết phải trả chi phí này.
"Đốt" hàng trăm tỉ đồng
Kết quả nêu trên nói lên rằng DN đang phải gánh rất nhiều loại chi phí, gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Hiếu, xã hội đang nhìn con số trực quan bằng tiền nhưng có một loại chi phí chính thức khó hình dung hơn là thời gian và cơ hội. Cái này lớn hơn nhiều so với con số chính thức. Cụ thể, để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, DN cần 10 ngày và ít nhất phải bố trí 1 người lo. Nếu nhân ra tiền, DN mất 200.000 đồng/người/ngày, tương ứng khoảng 2 triệu đồng/năm.
"Với 500.000 DN hiện nay, số tiền đó có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Cứ một ngày tăng thêm các thủ tục là DN phải tăng thêm chi phí tuân thủ, cùng với đó là thời gian và cơ hội bị hao mòn, mất đi" - ông Hiếu phân tích.
Ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, bức xúc: "Theo con số được công bố, DN khởi nghiệp cứ 3 "ông" ra đời thì 2 "ông" phải giải thể. Vì sao có con số đó? Vì họ mới ra đời, khó tiếp cận nguồn lực, chi phí cao. Hầu hết DN khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai rất khó vì các "ông lớn" lobby (vận động hành lang - PV) để có đất rồi. Trong khi đó, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp, phải chịu vay với lãi suất ngoài luồng nên DN càng khổ".
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đánh giá cộng đồng DN đang ngộp thở vì bị kiểm tra nhưng hiệu quả của việc này chưa rõ. Việc kiểm soát tưởng chừng chặt chẽ nhưng hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan.
Đề xuất bãi bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh
Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, trong báo cáo mới nhất đánh giá hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gửi Thủ tướng Chính phủ, CIEM cho biết hiện vẫn còn 4.284 điều kiện kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề. Các điều kiện này được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật.
Cập nhật đến ngày 10-8, Bộ Công Thương đang dẫn đầu về số điều kiện kinh doanh được ban hành với 1.152 điều kiện (trong đó, quy định điều kiện về năng lực sản xuất chiếm số lượng lớn nhất là 497). Đứng thứ 2 là Bộ Giao thông Vận tải với 517 điều kiện. Đứng thứ 3 là Bộ Tài chính với 470 điều kiện.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành còn nhiều bất cập, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, tạo ra nhiều rủi ro cho DN trong quá trình hoạt động, giảm động lực đổi mới sáng tạo, giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của DN. Đáng lưy ý, việc lạm dụng các điều kiện kinh doanh cũng tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi công vụ.
Từ thực tế này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng cần bãi bỏ khoảng 2.000 điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi và bảo vệ người dân, DN; đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, phù hợp với thông lệ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Bởi lẽ, so với các tiêu chuẩn của OECD, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề xuất chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép DN tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy, nhà nước kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tuân thủ pháp luật; triệt để áp dụng công nghệ quản lý theo hướng quản lý rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí…
Đơn giản hóa nhiều thủ tục về đất đai
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 79 đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, sẽ đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước.
Cụ thể, các nhóm thủ tục sẽ được đơn giản gồm: Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất. Đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được nhà nước giao đất để quản lý... khi làm thủ tục sẽ thay thế cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" bằng cụm từ "số định danh cá nhân". Một số mẫu đơn, mẫu tờ khai liên quan đến các nhóm thủ tục khác có cụm từ "số giấy CMND" và "số giấy chứng minh nhân dân" cũng được thay thế bằng cụm từ "số định danh cá nhân"… B.TRÂN
Bình luận (0)