Ngày 6-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định cho biết nhiều chủ tàu cá vỏ thép hư hỏng trên địa bàn đã thương lượng xong về việc đền bù, hỗ trợ với 2 doanh nghiệp (DN) đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (TP Hải Phòng).
11/19 chủ tàu chấp nhận
Cụ thể, 5 chủ tàu ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ đã đồng ý nhận "hỗ trợ" tổng cộng 881 triệu đồng từ Công ty Đại Nguyên Dương, riêng tiền lãi ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, 2 bên sẽ tiếp tục thương lượng. Trong khi trước đó, 5 chủ tàu này yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường thiệt hại và hỗ trợ tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng.
Cùng ngày, UBND huyện Hoài Nhơn cũng xác nhận 6 trong tổng số 14 chủ tàu cá vỏ thép trên địa bàn đã chấp nhận số tiền đền bù từ Công ty Nam Triệu sau buổi làm việc trực tiếp mới đây có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Theo đó, 2 chủ tàu đồng ý nhận bồi thường 200 triệu đồng/tàu; 1 chủ tàu nhận 238 triệu đồng và 3 chủ tàu nhận bồi thường 218 triệu đồng/tàu. Các bên thống nhất tiền bồi thường sẽ được chuyển trước ngày 4-5.
Hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng nặng sau khi hạ thủy chưa được bao lâu
Trước đây, 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường với số tiền hơn 36,5 tỉ đồng. Lúc đầu, Công ty Nam Triệu hứa bồi thường hợp lý, giải quyết dứt điểm trong tháng 2-2018. Tuy nhiên sau đó, công ty này có văn bản từ chối bồi thường với lý do công ty đã tuân thủ hợp đồng.
Ngư dân thua thiệt
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, nhiều ngư dân cho biết họ buộc phải chấp nhận số tiền bồi thường quá thấp so với giá trị thiệt hại do không đủ sức theo đuổi vụ việc và để tiếp tục làm ăn. "Từ ngày tàu bị hỏng phải nằm bờ cả năm trời, gia đình tôi kiệt quệ vì số tiền thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Hết cuộc họp này đến cuộc họp khác vẫn không giải quyết được gì. Giờ chúng tôi không còn đủ sức để khởi kiện nên đành chấp nhận số tiền đền bù nhỏ nhoi đó thôi" - ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ một tàu cá do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, chua xót.
Tương tự, ông Phan Lùn (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) cũng đã chấp nhận hơn 200 triệu đồng "hỗ trợ" từ Công ty Nam Triệu, dù trước đó đề nghị bồi thường thiệt hại gần 3 tỉ đồng. "Giờ kiện ra tòa cũng mất vài năm mới xong. Trong khi đó, hiện gia đình tôi không còn đủ khả năng để lo tiền tạm ứng án phí, đi lại để hầu tòa. Thôi thì đành chấp nhận thua thiệt để lo làm ăn chứ không còn cách nào khác hơn" - ông Lùn than thở.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho rằng số tiền các DN đóng tàu "hỗ trợ" cho chủ tàu vỏ thép hỏng là quá nhỏ so với mức thiệt hại thực tế. "Khoản tiền ngư dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ là có cơ sở, căn cứ. Chính quyền cũng đã nhiều lần yêu cầu DN đóng tàu giải quyết trên tinh thần tôn trọng quyền lợi chính đáng của ngư dân nhưng họ lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn, kỳ kèo, giảm bồi thường. Có lẽ ngư dân đã quá ngán ngẩm với các DN đóng tàu nên đành bấm bụng nhận số tiền hỗ trợ như thế" - ông Tân nhìn nhận.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trong tháng 4 này, nếu giữa ngư dân và các DN đóng tàu không thống nhất được việc bồi thường, hỗ trợ thì sẽ đưa sự việc ra tòa án giải quyết. Chính quyền địa phương cùng với Hội Luật gia tỉnh Bình Định cũng đã có phương án để hỗ trợ pháp lý cho ngư dân khởi kiện. "Giờ quyết định chính vẫn là các chủ tàu. Nếu họ cảm thấy số tiền bồi thường, hỗ trợ mà DN đóng tàu đưa ra thấp hơn nhiều so với thực tế thì có quyền từ chối để khởi kiện" - ông Hổ nói.
Bình luận (0)