Theo quy định của Luật Thú y, sản phẩm động vật khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo lô hàng, nếu không sẽ bị xem là "bất hợp pháp".
Tuy nhiên, trong sáng 27-6, hoạt động cấp giấy này bị ngưng, ảnh hưởng đến hàng trăm tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm động vật. Đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (quận 8), cho biết hiện Chi cục Thú y TP, cơ quan trước giờ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch không thực hiện thủ tục này trong khi Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cũng không thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, bà con tiểu thương, thương nhân kinh doanh tại chợ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng đi tỉnh.
Theo ông này, chợ Bình Điền có rất nhiều khách hàng là các bếp ăn ở khu công nghiệp của các tỉnh, họ đến chợ có thể mua đủ các món từ rau củ quả đến trứng thịt, cá mắm để đi cùng một chuyến xe. Riêng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và phụ phẩm cần có giấy chứng nhận kiểm dịch để kiểm tra tại các trạm kiểm soát thú y trên đường. Nếu bán trong nội thành TP HCM, cơ sở có thể tự cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn và tự chịu trách nhiệm, còn đưa hàng ra tỉnh thì phải theo quy định chung, không có giấy là không hợp lệ.
"Trong ngày hôm nay, ban quản lý chợ cùng với tiểu thương sẽ có kiến nghị chính thức về vấn đề này để tháo gỡ. Không thể để sự "lùng bùng" trong phân công nhiệm vụ của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Chi cục Thú y TP làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thương nhân. Tôi cho rằng việc này cần được giải quyết sớm vì sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt heo trong tình hình đang "giải cứu thịt". Khách hàng từ các tỉnh sẽ không về chợ đầu mối TP HCM mua hàng nữa nếu không được vận chuyển liên tỉnh" – ông nêu khó khăn.
Ông Mai Ngọc Thắng, Trưởng Ban điều hành ngành hàng thịt gia súc gia cầm chợ Bình Điền, cho hay rạng sáng nay, ông ngồi chợ thấy hàng loạt tiểu thương chạy ngược chạy xuôi năn nỉ các nơi để "cấp giấy" nhưng không cơ quan nào thực hiện. Người dân mua hàng hợp pháp từ chợ nhưng không được cấp giấy để đi đường, nếu bị các cơ quan khác kiểm tra, bắt bớ rất khổ cho họ.
Việc chậm trễ thủ tục cấp giấy có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt heo
Không chỉ thương nhân tại chợ, một số chuỗi nhà hàng có cửa hàng tại nhiều tỉnh thành cũng khổ sở vì không thể chuyển nguyên liệu thịt đi vì thiếu giấy kiểm dịch.
Sáng cùng ngày, liên hệ với Chi cục Thú y TP thì tại đây cũng liên tục nhận được các cuộc điện thoại của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc cấp giấy. Đại diện cơ quan này cho biết từ 22-5 đã bàn giao 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn TP cho Ban An toàn thực phẩm TP và 194 nhân sự phụ trách các công việc trên nhưng ban không nhận.
Từ 1-6, khi các nhân sự chuyển công tác chính thức, Chi cục Thú y TP phải liên tục tăng ca để thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian chuyển giao, Chi cục Thú y TP đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên hệ Ban An toàn thực phẩm TP để tiếp tục được cấp giấy. Hiện nhân sự của Chi cục Thú y TP HCM không thể tiếp tục tăng ca được nữa để thực hiện nhiệm vụ này.
Đại diện Chi cục Thú y TP cũng cho rằng nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch là của Ban an toàn thực phẩm TP vì ban này chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển,… các sản phẩm từ thịt theo quy chế hoạt động.
Trước vướng mắc trên, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, cho rằng theo Luật Thú y, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của Chi cục Thú y, Ban Quản lý An toàn thực phẩm là một cơ quan quản lý nhà nước, chỉ thực hiện các công việc được phân công.
Theo ông Hải, những ngày vừa qua, đơn vị của ông liên tục nhận được liên hệ của người dân về việc cấp giấy, ông rất chia sẻ và thông cảm với người dân nhưng vì chưa nhận bàn giao nên không thể thực hiện thủ tục hành chính này.
Hơn 200 giao dịch bị ngưng trệ
Theo Chi cục Thú y TP, trung bình mỗi tuần TP cấp hơn 1.600 giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh tập trung ở chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, các quận 1,2,5,6,7,8,9,11,12, Phú Nhuận, Gò Vấp,… Quy trình lấy mẫu được thực hiện cơ bản như sau: với các cơ sở đã được quản lý xuyên suốt từ lúc nhập hàng đến quá trình sản xuất, điều kiện cơ sở, kết quả lấy mẫu định kỳ,… sẽ được cấp giấy ngay.
Với cơ sở không được kiểm tra giám sát bắt buộc phải lấy mẫu 100% lô, khi có kết quả mẫu đạt sẽ được cấp giấy, không đạt lô hàng sẽ bị xử lý (phạt hành chính, xử lý lô hàng như tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng).
Bình luận (0)