Ví điện tử MoMo vừa công bố đã chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo, cho biết người dùng ví MoMo tăng trưởng 40 lần trong 5 năm qua. Chỉ trong 2 năm gần đây, lượng người dùng Ví MoMo đạt mức tăng gấp đôi mỗi năm, từ 10 triệu vào thời điểm đầu năm 2019, đã chạm mốc 20 triệu vào đầu tháng 9-2020.
Theo báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google năm 2019, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng smartphone và mạng xã hội với tỉ lệ truy cập internet ở mức hơn 60%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 34 ví điện tử được cấp phép.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch không tiếp xúc tăng cao khiến lượng người đăng ký mở tài khoản mới ví MoMo tăng tới 30%-40% so với trước dịch.
Lượng đăng ký tài khoản mới tại ví MoMo tăng 30-40% so với trước dịch Covid-19
"Thị trường đang tiến rất nhanh, nhanh hơn so với những gì chúng tôi kỳ vọng, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Điều này nhờ vào các chính sách quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ngân hàng đã tham gia thay đổi thói quen của người tiêu dùng" - ông Nguyễn Bá Diệp nhận định.
Bước đi tiếp theo của MoMo là phát triển thành "Siêu ứng dụng" đầu tiên tại Đông Nam Á. Dự kiến, trong quý IV/2020, người dùng tại Việt Nam sẽ chính thức được trải nghiệm những dịch vụ trên nền tảng giao diện mới của MoMo, do kỹ sư Việt Nam xây dựng và triển khai, dành riêng phục vụ cho người Việt.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám Đốc, Ví MoMo, nhận định đại dịch Covid-19 giúp các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc số hóa. Việc hướng đến siêu ứng dụng sẽ là nền tảng hữu hiệu giúp các đối tác có thể dễ dàng tiếp cận được hàng chục triệu khách hàng của ví MoMo. Với siêu ứng dụng, ví sẽ giúp các đối tác giải bài toán về doanh thu và chi phí thông qua công nghệ. Đặc biệt, MoMo tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ (như các tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp,...) có thể bán hàng và thanh toán trực tuyến trên ví…
Không chỉ thúc đẩy ví điện tử phát triển, dịch Covid-19 cũng khiến lượng khách hàng mở tài khoản mới và lượng giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh thời gian qua.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết sau khoảng 1 tháng triển khai phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC), đã có 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên app HDBank cùng 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, tỉ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.
"Điều này cho thấy eKYC đã góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp" - đại diện HDBank nói.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), trong 7 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua ứng dụng MyVIB của ngân hàng này đã tăng 120%, lượng khách hàng sử dụng tích cực tăng 80%, số tiền huy động qua ứng dụng tăng 100% so với cùng kỳ. VIB vừa công bố ứng dụng MyVIB phiên bản mới với nhiều thay đổi, mở rộng hơn 100 dịch vụ thanh toán đáp ứng gần như mọi nhu cầu giao dịch hằng ngày của người dùng…
Bình luận (0)