Ông Nguyễn Duy Hưng
Hiện tại, Tập đoàn PAN (PAN Group) do ông sáng lập đang nắm quyền chi phối hàng loạt công ty giống cây trồng, thủy sản, bánh kẹo - thực phẩm có tiếng trong ngành.
Thâu tóm để phát triển
Nói về cơ duyên đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, nông sản, ông Nguyễn Duy Hưng không ngần ngại chia sẻ: Vào khoảng 5 năm trước, khi Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) do ông làm Chủ tịch HĐQT đã vững chắc dẫn đầu trong ngành chứng khoán, ông thấy mình cần phải làm cái gì đó nhiều hơn. Ông nhận ra rằng với một quốc gia có hơn 70% người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc phát triển ngành nghề gì liên quan đến nông nghiệp chắc chắn thuận lợi và sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh. Vậy là ông quyết định cùng các cộng sự tham gia đầu tư vào nông nghiệp, thực phẩm. Ông thuê chuyên gia nước ngoài về cải tổ Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN), chấp nhận chia tay với mảng quét dọn vệ sinh - lĩnh vực chủ lực nuôi sống PAN gần 20 năm qua - để dồn lực vào ngành mới: nông nghiệp, thực phẩm với tên gọi mới Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group). "Chúng tôi lúc ấy nghĩ rằng việc làm nông nghiệp, thực phẩm thì luôn gắn bó với nông dân, gắn với người nghèo và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, có ý nghĩa rất nhân văn. Đó là chưa kể câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến mọi người bất an" - ông Hưng chia sẻ.
Trang trại hoa công nghệ cao của PAN Group ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)
Nghĩ vậy nhưng bắt đầu với sản phẩm gì, làm như thế nào lại là một câu hỏi lớn. Thay vì bắt đầu lại từ con số 0, PAN Group lựa chọn những doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, thực phẩm có sẵn trong danh mục đầu tư và bắt đầu hợp tác mua cổ phần, sáp nhập. Sau khi hoàn tất "thâu tóm", ở lĩnh vực giống cây trồng, PAN Group hợp tác với các đối tác Nhật Bản để sản xuất, xuất khẩu hoa rồi sản xuất nhiều cây giống theo hướng nông nghiệp công nghệ cao chứ không chỉ quẩn quanh giống bắp, giống lúa…
"Quan điểm của chúng tôi khi làm nông nghiệp là phải thoát khỏi suy nghĩ chỉ bán cái chúng ta có mà phải chuyển sang bán cái người ta cần. Cạnh tranh nhau bằng chất lượng chứ không cạnh tranh bằng giá nếu không muốn tự giết mình" - ông kể.
Ở mảng thực phẩm, PAN Group nắm quyền kiểm soát Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco - LAF), DN có tiếng trong lĩnh vực chế biến hạt điều xuất khẩu nhưng đang thua lỗ nghiêm trọng, gần như đi vào ngõ cụt. "Lúc đầu cũng khó khăn lắm trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, nâng chất lượng và đặc biệt là chúng tôi vẫn giữ quan điểm không cạnh tranh bằng giá để cuối cùng sụp đổ mà phải cạnh tranh bằng chất lượng, hàng giá trị gia tăng. Thế là Lafooco dù còn khó khăn nhưng có những chuyển biến lớn từng ngày từ khi về chung mái nhà PAN Group" - ông Hưng cho biết.
Song song đó, PAN Group cũng tham gia đầu tư vào Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre - ABT) và đưa DN này bước sang chu kỳ phát triển mới trong lúc nhiều DN thủy sản khác gặp không ít khó khăn.
Chiến thắng tên tuổi lớn của Hàn Quốc
Gần đây nhất, PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng "chiến thắng" Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) ngoạn mục khi chi hơn trăm tỉ đồng để mua thêm cổ phần tại Công ty CP Bibica và đã giành được quyền kiểm soát công ty này với tỉ lệ nắm giữ trên 50%. Qua đó, thương hiệu Bibica có tiếng của ngành bánh kẹo không bị nhà đầu tư ngoại nuốt trọn.
Trước đây, khi ông Hưng chưa đầu tư vào Bibica thì Lotte đã trở thành cổ đông lớn nhất với tỉ lệ nắm giữ Bibica đến trên 44%. Lotte luôn muốn thâu tóm toàn bộ thương hiệu bánh kẹo này, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn nội bộ khiến hoạt động kinh doanh của Bibica sa sút. Nhưng sau khi có PAN Group tham gia thì tình hình trở nên nhẹ nhàng hơn. "Ngay khi thương vụ chào mua Bibica thành công, tôi đã kể cho lãnh đạo của Lotte nghe về giấc mơ của tôi. Rằng tôi muốn Việt Nam cũng có những tập đoàn, thương hiệu Việt tên tuổi làm được nhiều thứ như Lotte chứ không chỉ đơn thuần là DN gia công. Vì vậy, chúng tôi phải gìn giữ những gì đang có, rồi nâng tầm lên. Nếu hôm nay chúng tôi không "đốt lửa" thì mấy chục năm sau, chúng tôi sẽ không có đám cháy. Đấy là giấc mơ. Và khi những người Việt chúng tôi kết nối với nhau bằng giấc mơ thì tôi tin là nó rất bền chặt".
Ngay khi nghe ông Hưng chia sẻ, phía Lotte chấp thuận cùng PAN Group sẽ là đối tác tin cậy. Và thực tế, kể từ khi PAN Group tham gia đầu tư và gắn bó với Bibica, công ty đã tăng trưởng đáng kể. Lợi nhuận năm 2016 của Bibica đạt đến 81,3 tỉ đồng, gấp 3,14 lần năm 2012. Giá trị cổ phiếu BBC trên sàn chứng khoán cũng tăng nhiều lần, đạt gần 120.000 đồng/cổ phiếu, vượt xa các cổ phiếu bánh kẹo khác.
Giới đầu tư nhìn nhận trong cuộc chạy đua không cân sức này, chiến thắng đã thuộc về người xuất phát sau. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng không đồng ý gọi Lotte là đối thủ mà xem họ là đối tác. "Tôi thật sự rất hạnh phúc vì tôi đã thành công khi đốt thêm lửa cho giấc mơ của mình trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt cho người Việt chứ không phải vì tôi thắng được đối tác Lotte" - ông Hưng bộc bạch.
Phải hướng về nông dân
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết làm nông nghiệp hay bất cứ lĩnh vực nào ở nước ta thì cái khó là cân đối quyền lợi giữa DN và nông dân. Nhiều DN nghĩ mình có lợi thế, có thể thu hồi đất của dân để triển khai mô hình này kia. Nhưng PAN Group nghĩ khác.
"Chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ thu mua đất của dân mà chỉ hợp tác với họ, chia lợi nhuận cho họ. Phải cân đối nguồn lực giữa các thành phần trong xã hội mới là nền tảng phát triển bền vững nhất của DN. Và ai nghĩ rằng có thể thuê được nông dân như thuê công nhân chứ chúng tôi nghĩ rằng nông dân chỉ thích giữ cái gì của họ" - ông Hưng trải lòng.
Bình luận (0)