Chị Phương Dung, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết 3 năm qua, chị không thuê người giúp việc cố định mà chuyển sang gọi giúp việc theo giờ trên ứng dụng Jupviec.vn với mức giá khoảng 150.000-180.000 đồng trong 3 giờ rưỡi làm việc hoặc thấp hơn nếu có mã giảm giá.
Phục vụ tận nhà
Theo chị Dung, nếu so sánh với tiền thuê giúp việc ở cố định tại nhà thì gọi giúp việc theo giờ qua ứng dụng không rẻ hơn. Tuy nhiên, loại hình này phù hợp với những người bận bịu tại công sở, không có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn nhưng lại không thích sự phiền hà khi có người ngoài sống chung trong gia đình.
"Trước khi chọn dịch vụ gọi người giúp việc qua ứng dụng (app), tôi từng dùng dịch vụ truyền thống là gọi điện thoại đặt lịch theo giờ với những người làm nghề giúp việc quen biết nhưng việc xếp lịch thường gặp trục trặc do thời gian rảnh của 2 bên không trùng nhau. Trong khi đó, gọi qua app thì lực lượng nhân viên luôn dồi dào, bất cứ giờ nào công ty cung cấp dịch vụ cũng điều phối được nhân viên" - chị Dung giải thích về sự tiện lợi.
Ứng dụng cung cấp dịch vụ trực tuyến ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Jupviec.vn đã ra đời từ 6 năm qua với số lượng nhân viên giúp việc khoảng 3.000 người, phục vụ trên 2 triệu giờ làm mỗi năm tại 8 tỉnh, TP trong cả nước. Ứng dụng này còn tỏ ra "nhanh tay" trong việc nắm bắt xu thế lựa chọn dịch vụ nhanh chóng khi hợp tác cung cấp dịch vụ giúp việc cho ứng dụng gọi món hàng đầu hiện nay là Now. Với sự bắt tay này, Now được cung cấp thêm một dịch vụ mới nhằm đạt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ trong một, còn Jupviec.vn được hưởng thêm một lượng khách hàng có sẵn từ Now.
Không chỉ giúp việc nhà, công sở, một số ứng dụng còn cung cấp dịch vụ giặt ủi, mua thuốc, mua đồ ăn cho thú cưng, mua hoa… hộ. Như thế, chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch vụ gọi món và gọi xe ra mắt thị trường, các công ty công nghệ bắt đầu cuộc đua tích hợp hàng loạt dịch vụ phục vụ đời sống hằng ngày. Giới chuyên gia thị trường đánh giá cao sự nhanh nhạy của các công ty công nghệ trong việc tấn công vào mảng thị trường tiềm năng của những người bận rộn tại các TP lớn. Mặt khác, với sự ra đời của hàng loạt dịch vụ trực tuyến cùng lợi thế rõ ràng về sự tiện ích, người tiêu dùng dường như ngày càng "lười" hơn.
Ứng dụng tăng trưởng mạnh
Theo khảo sát của Q&Me - một đơn vị cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam, năm 2018, mua sắm qua các ứng dụng trên điện thoại tăng lên nhanh chóng với 47% người dùng điện thoại di động. Báo cáo mới nhất về thương mại điện tử của Công ty Nghiên cứu Nielsen cũng cho thấy có đến 98% người dùng internet Việt Nam từng mua hàng qua mạng.
Mảng chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất là giao món ăn từ các nhà hàng, với 24% người tiêu dùng online sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, mua thực phẩm tươi sống, thuốc… cũng ghi nhận tăng đáng kể.
Song, không phải tiềm năng thị trường lớn có thể giúp các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng "ung dung" hưởng miếng bánh thị phần. Bởi lẽ, với số lượng đối thủ lớn, mức độ cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng doanh nghiệp (DN) nếu không tận dụng được thị trường ngách hoặc không xây dựng được ưu thế cạnh tranh thì sẽ khó tồn tại. DN nào nhanh tay khai phá mảng thị trường mới thì sẽ có lợi thế hơn DN đi sau. Ngoài ra, điểm quan trọng khác là phải bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định.
Bà Demi Yu - Giám đốc khu vực của GrabFood tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines - đánh giá ngoài Indonesia, Việt Nam hiện là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của GrabFood với mức tăng gấp 20 lần kể từ khi ra mắt tại
TP HCM vào tháng 6-2018. Nhằm tạo lợi thế riêng, bên cạnh cách tập trung vào chất lượng dịch vụ và tốc độ giao hàng, một trong những chiến lược của GrabFood là sở hữu đặc quyền những món ăn chỉ có trên ứng dụng này. "Nhờ vào hệ thống đối tác kinh doanh chiến lược, chúng tôi đã đồng sáng tạo một số thức uống chỉ bán trên nền tảng Grab. Hoặc, có chuỗi thức ăn nhanh lớn tại Việt Nam chọn GrabFood là đối tác giao nhận thức ăn ưu tiên và duy nhất của mình" - bà Demi Yu thông tin.
Một thách thức khác đối với các sàn thương mại điện tử, các siêu ứng dụng cung cấp dịch vụ hằng ngày là bảo đảm chất lượng chuyển phát. Cho rằng logistics là xương sống của thương mại điện tử nhưng ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm Xử lý đơn hàng của Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ - Tập đoàn FPT, nhận xét hầu như các nhà vận chuyển lớn trong nước đều không đáp ứng được nhu cầu của DN thương mại điện tử hiện nay. "DN vận chuyển chủ yếu mang logistics truyền thống sang phục vụ thương mại điện tử. Trong khi đó, đơn hàng của thương mại điện tử trong ngày cao điểm có thể bằng tổng đơn hàng của cả một năm" - ông Thuật nói.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, góp ý các DN logistics, vận tải chở khách và chở hàng nếu biết liên kết với nhau, phối hợp và tận dụng được thế mạnh từ nền tảng công nghệ của rất nhiều công ty công nghệ hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giá mua hàng trực tuyến còn cao
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, 40% người tiêu dùng cho biết giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn so với mua trực tiếp; 38% người tiêu dùng đánh giá dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, nhất là thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó đổi trả lại hàng đã mua. Điều này phản ánh sự hạn chế của cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến mà các DN cần cải thiện.
Đại diện Lazada Express - đơn vị hậu cần trực thuộc Lazada Việt Nam - cho hay chi phí logistics ở Việt Nam chiếm 30% doanh thu thương mại điện tử, dẫn đến giảm sức hấp dẫn của dịch vụ này với người tiêu dùng. Trong khi đó, chi phí này ở Ấn Độ chỉ 5%-15%, Mỹ 11,7% doanh thu.
Bình luận (0)